Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Hồi ký: Anna Nguyễn-Tôn-Thiên-Lý

ào những ngày cuối tháng 8/1975 trong lúc Ba đang trãi qua Khóa học-tập cải-tạo dành cho “Ngụy-quân, Ngụy-quyền” tại Trại tiếp-thu chính-sách huyện Phú-Lộc ở chân núi Bạch-Mã thì Má sinh Thiên-Lý.
Khác với Kinh-Doanh và Kinh-Tài sinh tại Bảo-sanh-viên và bệnh-viện Pleiku, Thiên-Lý sinh tại nhà của Nội tại Cầu-Hai do Mụ Bé đỡ sinh. Lúc bấy giờ gia-đình đang trãi qua cơn ác-mộng kinh-hoàng bỏ cả gia-tài sự-nghiệp từ Pleiku chạy về Saigon và từ Saigon trở lại quê-hương của Ba Má. Ba còn nhớ, sáng đó trời trong và mát, ba từ Trại-cải-huấn được phép về thăm nhà mấy tiếng đồng-hồ thì O Chương đón ở cổng vào nhà báo tin:
- Chị Hoàng sinh rồi.
Thấy vẻ mặt Ba không tin lắm nên O lại tiếp tục:
- Thật mà, Chị sinh rồi. Ai nói láo anh chi.
Gặp Ba, các con vẫn chưa nói gì. Ba đi vội ra nhà sau thì thấy đã che buồng, ba vén màn nhìn vào, Má cười vui vẻ, bên cạnh là đứa bẻ nhỏ hoắc nằm trông rất khô khan và gầy ốm. Đó là ảnh-hưởng trầm-trọng trong những ngày Má di-tản băng qua đường rừng suốt mấy ngày đêm trên Tỉnh-lộ 7. So với các con thì Má đã sinh Thiên-Lý hết sức dễ dàng vì Anna quá bé nhỏ. Má sinh Anna lúc …….
Khi sinh Anna thì tất cả gia-tài của cải Ba Má dành dụm cho các con qua bao nhiêu năm ở Pleiku đều bị cướp mất hết. Ba má về quê với ít vốn-liếng còn lại cùng với tương-lai mù mịt. Vì Anna quá yếu và vì tình-hình địa-phương đang trãi qua những ngày đầu của chính-quyền cách-mạng chú trọng vào lao-động sản-xuất. Sinh-hoạt tôn-giáo phần nào bị giới-hạn nên ba má không Rửa-tội cho Anna tại quê nhà. Chỉ sinh được mấy hôm thì Anna bị bệnh đậu, Ba Má cố tấm chữa chạy, nhờ lúc này thuốc men còn mua dễ dàng và có sự chăm-sóc của Mụ Bé nên Anna khỏi bệnh nhưng rất ốm yếu đáng thương.
Bang, Kha theo học trường cấp II Phú-Lộc cách nhà 3km, Thi học với anh Bê tại Trường Mẫu-tâm cũ. Tuyến giữ Kinh-Doanh và Kinh-Tài hàng ngày.
Khi An na vửa được hơn 2 tháng Má bắt đầu buôn tảo bán tần kiếm thêm tiền. Ba ở nhà giữ Anna cùng các con và làm ruộng tập-thể. Ba Má vẫn mua đều sữa bột Sma cho Anna uống dặm. Bà Nội lúc nào cũng ngồi cạnh nôi của Anna. Má cần-kiệm sợ mua-sắm sẽ hết tiền nhưng Ba muốn Anna cũng như tất cả các con dù có cơ-cực đến đau lúc sinh ra Ba cũng mua-sắm mọi thứ. Tất cả mọi thứ đều lên giá gấp 10 lần nhưng ba cũng mua cho Anna một bộ áo len màu vàng, mấy chiếc khăn lông, xà-phòng, phấn…
Ngày mồng ba Tết, Anna cùng theo gia-đình vào Đà-nẵng tạm trú một đêm ở nhà O Bé, chuển-bị chuyến di-chuyển về Phan-rang. Đến Phan-rang vào ……. Anna được …. Tháng. Vì khí hậu lạnh đột-ngột và đi đường xa mệt-mỏi nên Anna cùng các con đều đều bệnh lại phải nhờ Sr Thánh-gia chữa trị.
Đến nhà-thờ, Anna ngoan ngoãn quỳ gối đọc kinh nên các Sr và mọi người ai cũng thương Anna. Càng ngày Anna càng khôn-ngoan một cách lạ thường. làm mất lòng ai điều gì Anna xin-lỗi ngay. Ai đến nhà Anna cũng lễ-phép chào hỏi, cám-ơn khi nhận quà. Sự khôn-ngoan của Anna Ba má nghĩ là Chúa-Thánh-Thần dạy dỗ chứ chẳng ai bày vẻ gì nhiều cả. Anna thích chơi hoa, rất vâng lời Ba Má mọi lúc, mọi mặt.
Ngày nào Anna cũng ôm hôn Ba má một cách say-mê thắm-thiết. Vú của Anna cũng thương Anna không kém. Anna như một búp-bê, như một hoa thơm trong vườn . Với gia-đình thì Anna là nguồn vui cho Ba Má và các con. Cuộc-sống Anna rất thánh-thiện từ lời nói đến việc làm.
Ngày Maria mất, Anna tròn 3 tuổi Sáng 17/8/1978 khi đưa Maria về Đất-Thánh, Má muốn Anna ở nhà nhưng Ba sợ Maria buồn nên nói để cho Anna cùng đi theo. Anna mặc áo len hồng, chít khăn tang và Vú Anna bồng Anna đi sau xe chở quan-tài của Maria. Anna hết sức hồn-nhiên và sáng-láng, đẹp đẽ gợi sự chú-ý của mọi người đưa tiễn Maria. Khi Maria về với Chúa thì Anna như là nguồn an-ủi lớn lao cho cho nỗi bị-lụy của Ba Má. Tiếp theo mấy ngày tang của Maria, má lo săn sóc Anna ăn-uống chu-đáo và sạch-sẽ. Một mình Anna quỳ đọc kinh cầu cho Maria, Anna hết sức thánh-thiện, ngoan-ngoãn và vui vẻ, khiến ai cũng nhìn ngắm yêu mến lạ lùng.
01 giờ sáng 21/8/1978 Anna bỗng lên cơn sốt, Má lể cho Anna nhưng Anna mệt đừ, Ba phải chạy xe đạp mời Sr ở nhà-thờ xuống chích thuốc lúc 3 giờ sáng. Dì chích thuốc chích Dyréthore và cho thuốc hạ nhiệt. Dì theo dõi Anna đến 4 giờ sáng thì Ba đưa Dì về. Ba Má cùng ngủ với Anna. Anna quay qua má của Ba mút chùn chụt rồi ngã về phía Má. Anna ngủ có phần khỏe cho đến 6 giờ sáng thì lại lên cơn sốt. Má bồng Anna còn ba đi chở nước uống.
6 giờ 30 má kêu Ba bảo Anna lên kinh. Ba hốt-hoảng chạy mời Dì chích kim và Thầy châm-cứu. Dì đã chích đến các loại thuốc quý của Dì, thầy đã châm-cứu nhưng Anna càng ngày càng mệt, cứ lên kinh co giật. Má đắp nước đá, vắt chanh, thoa rượu nhưng không giảm.
7 giờ 30 Dì bất-lực bảo chở đi bệnh-viện, Ba Má phân-vân nhưng cuối cùng Ba quyết-định đưa đi bệnh-viện vì không còn cách nào khác. Anna đại-tiện nhớp cả quần-áo Má. Ba mượn xe honda đưa Anna xuống bệnh-viện Phan-Rang, Ba chở Vú Anna theo sau bằng xe-đạp. Khốn-nạn chiếc xe-đạp trở chứng bị hư đạp hết sức mệt nhọc.
7 giờ 40 Anna đến Phòng cấp-cứu bệnh-viện Phan-Rang. Tuy có y-sỹ khám bệnh nhưng Ba vẫn nài-nỉ một bác-sỹ quen để góp-ý. Tại đây, Anna được thở Oxygene và vị bác-sỹ quen bảo ba chạy mua Solucortef tức là một loại thuốc hồi-sinh của Mỹ. Ba điên đầu vì không biết mua ở đâu, cuối cùng Ba đánh liều đạp xe xuống chợ-trời. Không có, Ba lại lên Chợ Động Phan-rang thì may-mắn gặp một bà bán thuốc còn một chai bán với giá 14 ngàn. Trong túi Ba chỉ còn 6 ngàn, ba phải năn-nỉ bà ta cùng đến bệnh-viện với Ba và hứa trống với bà rằng: “Vợ tôi đang giữ tiền ở đó”.
Ruột Ba nôn-nóng, còn bà ta cứ đạp xe chậm rãi theo sau, có lẻ chính bà ta cũng sợ Ba gài bẫy để bắt nên có vẻ dè-dặt. khi đến cổng bệnh-viện thì may thay bà là người quen của Vú Anna, nhờ thế ba đưa hết 6 ngàn hiện có và nợ lại 8 ngàn. Bấy giờ Anna đã chuyển xuống Phòng hồi-lực khoa nhi. Ba và Vú Anna đến nơi thì Anna vẫn còn mê mệt được vị y-sỹ khám nghiệm chuyền Dextrose và ¼ chai thuốc hồi sinh mà Ba mua. Trông Anna rất mệt và hô-hấp suy yếu rõ rệt. Tình trạng này kéo dài cho đến trưa. Ba đưa Vú Anna về rồi chuẩn-bị đưa Tài nhập viện. Ý của Ba Má là vừa để theo dõi bệnh vừa dễ săn-sóc trong lúc Ba Má phải có mặt ở đấy với Anna. Tài được đưa về Khu khoa Nhi, phòng A5, số 24 lúc 14 giờ ngày 21/8/1978. Anna vẫn ở phòng hồi-lực mê mệt, không biết gì. Ba chạy mua nước đá đắp cho Anna.
17 giờ thì ba cũng đưa Kinh-Thi nhập viện, mọi nhân-viên ở đây đều ngạc-nhiên trường-hợp nhập viện ồ ạt của gia-đình. Anna vẫn mê man suy-yếu. Thi và Tài cùng nằm một phòng một giường. Tối nay Bang, Kha, Tuyến ở nhà một mình. Ba Má thay phiên nhau thức trắng đêm cầu nguyện và săn sóc Anna. Anna qua một đêm trong tình-trạng mê man bất-tỉnh.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 22/8/1978 Anna tỉnh táo mở mắt tròn xoe nhìn Ba Má trong giây lát rồi tiếp tục mê lại. Ba bận về nhà lo bới cơm nước cho Má và Thi, Tài. Phòng hồi-lực xế chiều và đêm nay có nhiều trẻ bị chết, vì thế Anna lại lên cơn sốt và làm kinh nhẹ phía bên trái.
Trọn ngày 22/7/1978 Anna vẫn mê man bất-tỉnh. Các Y-sĩ định bệnh là “sốt ác-tính viêm phổi”. Ba Má lại tiếp tục một đêm cầu nguyện không ngớt và theo dõi sức-khỏe, đắp nước đá cho Anna. Anna rất suy yếu, ho rất nhẹ và thỉnh thoảng lại cất tiếng rên. Ba Má vẫn tin tưởng cầu-nguyện Chúa-Mẹ truyền sức-sống cho Anna.
23/8/1978 thêm Kinh-Bang xuống nấu ăn giúp cho Ba Má ngay tại bệnh-viện. Má bắt đầu mệt mỏi và kiệt-sức. Anna thì vẫn mê man suy yếu. Thi, Tài tiếp tục điều-trị tại bệnh-viện. Ba Má lo-lắng cầu-nguyện cho Anna.
Đêm 23/8 Anna bỗng xuống nhiêt-độ 36oC. Anna quá suy yếu, bấy giờ là 24 giờ. Má bảo Ba: “Chắc con qua không khỏi, anh chuẩn bị đi”.
02 giờ sáng 24/8 Má nằm dài xuống nền phòng bệnh, Ba ôm Anna vào lòng với hy-vọng truyền hơi nóng cho Anna. Hơi thở Anna rất yếu ớt. các Y-sĩ tiếp tục theo dõi. Gần 3 giờ sáng thì Ba sung-sướng lúc thấy Anna ấm lên.
Lúc Má tỉnh dậy thì nhiệt-độ Anna là 39o5. Ba hốt-hoảng đắp nước đá.
5 giờ sáng Ba vất vả chạy đi mua thêm nước đá. Sáng ra Anna lại như tình-trạng cũ mê man bất tỉnh. Má nghiền cháo thịt, khoai tây + cà rốt cho Anna ăn qua ống thông từ lỗ mũi. Anna bài-tiết tốt như thường lệ, hô-hấp suy yếu. sáng nay có Cha-Sở đến thăm Anna, Má Cường (bạn của Bang) biếu 10 ngàn. Ba Mẹ cầu-nguyện Chúa-Mẹ liên hồi. Phòng hồi-lực nơi Anna đang nằm lại còn nhiều trẻ bị chết gây náo loạn làm Anna lên sốt và giật kinh.
Suốt đêm và ngày 24/8/1978 Anna vẫn mê man suy yếu như cũ. Thi và Tài có phần khỏe quen với khung cảnh bệnh-viện nên ít làm phiền Ba Má và các em.
25/8/1978 Bang từ nhà bới cháo xuống cho Ba Má. Anna yếu hơn. 08 giờ, trong lúc Má lau rửa nhẹ nhàng sạch sẽ cho Anna thì ba đưa Bang đi chợ và đến khấn nguyện tại hang-đá Đức-Mẹ ở nhà-thờ chính-tòa Phan-rang. Trở lại Ba đi chợ gặp Sr. Hoa mua giùm cá mang về. Tự nhiên ba nóng ruột la Kinh-Bang và có cảm giác một chuyện gì đang xảy ra. Ba sắp đặt để Bang về nhà lo nấu ăn. Ba trở lại Phòng hồi-lực. Anna thở rất yếu, Má đã lau sạch sẽ cho Anna. Ba hôn tay Anna trong chừng 10 phút. Má đứng dậy chuẩn-bị sữa để các Y-tá  cho Anna uống. Ba Má đang đứng ngay bên cạnh giường của Anna. Anna thở yếu lạ thường và tự-nhiên Anna tắt thở. Bấy giờ là 9 giờ sáng ngày 25/8/1978.
Ba khóc ngất lên, Má bình-tỉnh gọi y-sĩ làm hô-hấp nhân-tạo nhưng sau đó má bảo họ đừng làm nữa. Má nén đau-khổ ẵm Anna lên tay và bọc Anna trong cái mền dù của bà-nội cho. Cái mền này đã bọc Maria cách đó 9 ngày. Ba qua trường Má xin quan-tài cho Anna. Gặp Kinh-Kha đang đạp xe xuống giúp giúp việc cho ba má. Khi trở lại Phòng hồi-lực Ba khóc và Kha cũng khóc. Má vuốt ve bảo Kha:
- Con không được khóc, em về với Chúa cho sướng. Đừng khóc.
Ba thu dọn đồ đạc, mùng màn vừa khóc vừa xếp-đặt, bày-vẻ công việc cho Kha ở lại bệnh-viện lo sóc Thi + Tài. Ba chạy thuê xích-lô cho Má ẵm Anna về nhà. Ba đạp xe-đạp về trước, trong lúc Bang và Tuyến đang nấu ăn thì ba vào thông-báo: “Anna chết rồi!”.
Bang hốt hoảng:
- Chết rồi à.
Ba đi mời Cha làm phép, gặp Cha Cương giữa đường, khi trở về lại gặp Dì-chích-thuốc. Cả Dì và Ba cùng khóc ngất khi nói về Anna đã chết.
Ba Má đặt Anna nằm trên chiếc bàn gỗ, nơi mà cách đó 9 ngày, Maria đã nằm bất-động như Anna hôm nay. Lòng Ba Má như cắt, như xé.
09 giờ 45 Cha đến làm phép xác cho Anna.
10 giờ, Bà Nhất và Dì-chích-thuốc ở Giáo-xứ xuống phúng điếu 10 đồng. cả hai Bà cùng nâng niu hôn Anna. Ba Má khóc và hai bà cùng khóc. Bang lại đi mượn trên các Sr chiếc Thánh-giá chuộc tội mà trước đã mượn về cho ngày Maria mất. các bà-mẹ Công-giáo và các cô hội hát Giáo-xứ mang hoa đến quàng quanh xác Anna. Bà con lối xóm chung quanh nhốn nháo đến hỏi han. Vú Anna cũng đến và xin Ba Má may cho Anna bộ áo-quần trắng tẩm-liệm. Ba khóc lên chua-xót. Các bác trong Hội-đồng Giáo-xứ đến giúp việc. Cha-Sở và Ba dự định mai táng Anna 17 giờ trong ngày để có thì giờ săn-sóc Tài và Thi ở bệnh-viện, vả lại Anna đã mê man từ 5 ngày rồi, để lâu Ba má sợ nhiễm cho các con.
12 giờ má tắm vội vả và thay áo-quần xuống bệnh-viện với Kinh-Thi, Kinh-Tài. Các bà-mẹ Công-giáo may áo-quần trắng và lo rửa xác Anna. Cô Trùng cùng Ba thoa rượu cùng khắp thân hình nhỏ nhắn của Anna. Khi mặc xong bộ áo-quần trắng và chít khăn tang, chung quanh phủ đầy hoa, Anna trông đẹp đẽ, sáng láng như một thiên-thần, giống Maria như đúc. Vì muốn Má thấy được vẻ đẹp thánh-thiện của Anna lần chót và để tiếp các bà-mẹ công-giáo nên ba bảo Kha xuống bệnh-viện cho Má lên như Má không lên.
14 giờ, đại-diện nhà trường của má chở quan-tài và đến chia buồn cùng gia-đình. Bà con chung quanh không ngớt hỏi han thăm-viếng và thương-tiếc Anna.
15 giờ các bà-mẹ công-giáo do Thầy Ngà và Thầy Thảo hướng-dẫn đến phúng-điếu đọc kinh cầu cho Anna. Các em trong Nhóm chia-xẻ và sống lời Chúa cũng phúng-điếu vòng hoa và giúp Ba Má tiền quyên-góp.
16 giờ Cha-Sở đến làm phép và tẩm-liệm Anna. Ba nhìn khuôn mặt của Anna lần chót, nước mắt ba ràn rụa chua-xót.
17 giờ các bác trong Hội-đồng Giáo-xứ, các anh-chị-em các hội đưa Anna về Đất-Thánh. Trời mưa thật buồn. Mọi người đếu ướt át trong giây phút đớn đau nhưng chẳng có ai tỏ vẻ phiền hà. Tội nghiệp các em nhỏ ướt như chuột lột. Các thầy đại-diện làm phép huyệt-táng Anna bên cạnh Maria. Trời mưa nhiều hơn. Mọi người ra về tránh mư lạnh. Ba và bang, Kha ở lại đắp mộ cho Anna.
Ba trở lại bệnh-viện lúc 19 giờ, tâm-hồn bớt đi phần lo-lắng khi thấy Má sẵn lòng chấp-nhận sự sắp-xếp của Chúa trong việc gọi linh-hồn Maria và Anna ra khỏi thế-gian. Ba Má như trãi qua một cơn mê kinh-hoàng, tâm-hồn bỗng dưng có lúc lắng dịu (hay cứng đờ) như chẳng có gì xảy ra. Tối này một cô-giáo bạn má đưa một Bác-sỹ người nhà đến khám nghiệm cho kinh Thi và Tài tại bệnh-viện, hai em đang có triệu-chứng viêm họng.
Ba về nhà đọc kinh cầu với Bang, Kha, Tuyến rồi thiếp đi trong mệt mỏi.
04 giờ sáng 26/71978 Ba bỗng tỉnh dậy thiết trí bàn thờ Chúa, dọn dẹp vệ-sinh nhà cửa, thu xếp việc nhà rồi xuống bệnh-viện với Má.
Sáng 27/8/1978 Ba và Bang Kha xuống đắp mộ lại cho Anna.
Maria và Anna, ba Má vô cùng đau-khổ khi hai con vĩnh-viễn xa lìa ba má trở về với Chúa. Chúa đã chọn của Ba Má những đóa hoa đẹp trong vườn của Chúa đã ban cho Ba Má. Điều Ba Má mừng rỡ là hai con chắc-chắn được lên thiên-Đàng hưởng phúc đời đời. Tuy còn bé nhỏ, hai con đã ra đi trong sự luyến tiếc của mọi người. Hai con ra đi trong lời cầu-nguyện của nhiều người nhưng mọi việc Chúa đã định chọn và xếp đặt. bao nhiêu thương tiếc của ba má và mọi người dành cho con là những đóa hoa thơm ngát, trong-trắng dịu-hiền không những trang hoàng làm dịu tâm-hồn Ba Má mà còn làm đẹp con đường Chúa lựa chọn cho hai con. Ba má chỉ đau-khổ là trong lúc hai con còn ở với Ba Má, Ba má đã không nuôi-dưỡng hai con đầy-đủ như ba má hằng cầu-nguyện mơ-ước.
Maria-Anna, hai con cầu xin Chúa-Mẹ ban phúc-lành cho Ba Má và anh-chị-em hai con. Hai con sống mãi trong Chúa và trong lòng Ba Má.
 (Ba viết vào năm 1978)

Không biết đã bao nhiêu lần con đọc những trang hồi-ký của Ba viết về Chị Maria và Em Anna của con. Mỗi lần đọc là mỗi lần cảm xúc lại dâng trào. Con đã quyết sẽ đánh máy lại những trang Hồi-ký này để lưu lại những ký ức đầy đau-thương, tiếc nhớ của một giai đoạn đau-khổ mà gia-đình đã trãi qua. Năm 2005 tôi đã đánh một lần nhưng không thể đánh trọn vẹn vì không kiềm nén được cảm-xúc và không biết sẽ lưu trữ vào đâu. Đến mùa Tết các đẳng-linh-hồn năm 2012, sau khi đi viếng thăm mộ hai Chị-Em, con quyết định bằng mọi giá sẽ đánh lại toàn bộ hồi-ký của Ba và lưu vào trang blog cá-nhân này để cho anh-chị con, con cháu sẽ đọc và ghi nhớ về cội-nguồn.
Cách đây 34 năm, con chỉ còn nhớ mơ-hồ về ngày Chị Maria ra đi, con chỉ là đứa trẻ hồn-nhiên trước sự ra đi này. Nhưng trong đầu con đến giờ vẫn luôn nhớ đêm trước khi chôn cất Chị, con đứng nhìn Ba và anh Chuân cắt từng hình giọt nước mắt dán lên quan-tài của Chị. Con lại bình thản nhìn Chị nằm trên bàn gỗ thật tội nghiệp. Sáng ngày tiễn Chị, con vẫn nhớ lúc tờ mờ sáng, con ngồi sau chiếc ba-gác chở quan-tài của Chị, vẫn cười vô-tư. Con không nhớ lắm về hình-ảnh của Chị, chỉ sau này khi lớn khôn con mới nhìn ảnh Chị trong những ngày tháng bôn ba di-tản.
Riêng về Em Anna, con thật tình không nhớ gì về những kỉ niệm của Em, không biết một chút gì về hình-ảnh của Em. Con chỉ biết viết đến đây và ngồi khóc nghẹn ngào. Ngày em mất và đưa tiễn Em con cũng không có bên cạnh nên thật tình đến lúc này con lại thấy rất đau khổ.
Có lẽ ngày ấy con không đủ hiểu biết để khóc Chị-Em nên đến mãi tận hôm nay, sau 34 năm con lại khóc như rằng Chị và Em vừa mới ra đi. Con cố kìm nén, cố lau nước mắt để đánh trọn cuốn hồi-ký này. Cuốn hồi-ký ghi lại những năm tháng đau-thương của gia-đình, ghi lại sự hy-sinh trong đớn đau của Ba-Mạ, ghi lại những diễn biến của một giai-đoạn bi thương của gia-đình trong đó có hình ảnh của con và anh-em.
Cảm xúc cứ dâng trào qua từng đoạn, từng lời mà Ba viết. Có thể ai đó thấy bình-thường nhưng đối với con là một sự trãi lòng, một sự kìm nén hết sức để hoàn thành công việc này không dễ dàng chút nào.
Hình ảnh Chị Maria và Em Anna ngày ấy qua lời kể của Ba thật thánh-thiện, hồn nhiên và trong trắng. Con nghe nhiều người thân nói rằng, Minh Nhiên của con có khuôn ảnh giống Chị ngày ấy, còn Hồng Ân (con anh Bang) lại có dáng dấp như khuôn mẫu của Em Anna. Chỉ chừng ấy thôi con cũng được an ủi phần nào và như thấy được sự yêu-thương của Chị-Em luôn theo dõi và bênh đỡ gia-đình. Con nhìn con gái con như thấy được hình ảnh Chị, nhìn Hồng Ân lại thấy được hình dáng Em. Không biết có phải thế không? Chỉ khác một điều tính cách của Chị là ít nói và buồn thì lại là tính cách của Hồng Ân, còn sự hồn nhiên, náo nhiệt của Em lại là tính cách của Bé Minh Nhiên bây giờ.
Cảm-xúc khi con lưu lại hồi-ký của Ba thật nhiều. Lúc con lại thấy thương hai Chị-Em vô cùng khi phải trãi qua những đớn đau của thể xác, đan xen đó là con thấy thương Ba Mạ hết sức khi phải chứng-kiến những đớn-đau dồn-dập xảy ra chỉ trong khoảng thời-gian ngắn ngủi. Càng đọc con càng thấy thương yêu Ba Mạ hơn, càng đọc con càng thấy hình-ảnh của hai Chị-Em thật thân-thương gần gũi. Con kính-trọng và cảm-phục về ứng-xử của Ba Mạ. Dù trong hoàn-cảnh nào, có bi-thương đến mấy vẫn một lòng tín-thác vào Chúa-Mẹ, không một lời oán trách như bao người. Ba Mạ để lại cho các con nhiều bài học quý-giá mà bản-thân con và anh-chị vẫn sẽ mãi noi theo. Con kính yêu sự hồn- nhiên, trong trắng, sự yêu-thương, vâng lời Ba Mạ và anh-chị-em của Chị Maria và Em Anna.
Trong nhiều câu viết thật đáng nhớ của hồi-ký, con mong rằng lời mong-ước của Ba là : “Ước nguyện của Ba Má, các con luôn luôn chăm-sóc phần mộ Maria, theo gương Maria biết kính yêu Ba Má và giúp-đỡ nhường-nhịn nhau nhiều hơn” sẽ được anh-em chúng con gìn giữ.
  Tháng 11/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét