Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Tết Quý Tỵ gia đình nhà Gà du lịch đến Đất nước Thần Rắn Naga

Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỷ 10, vị vua đầu tiên sáng lập ra vương quốc Chân Lạp là Kampu. Quốc vương phải lòng con gái vua rắn Naga, một cô gái kiều diễm, thông minh  yêu mến và quyết lấy nàng làm vợ. Bằng sự dũng mãnh và tài giỏi của mình, Kampu đã vượt qua kỳ thi thử sức đầy gay go, quyết liệt của vua rắn Naga để cưới nàng làm vợ. Quốc vương Kampu và Hoàng hậu Naga cùng nhau sáng lập và xây dựng nên đất nước Campuchia. (ព្រះរាជាណាចក្រកម្ពុជា). Một truyền thuyết khác kể rằng có một người Bà La Môn tên là Kaudinya, đi thuyền từ Ấn Độ hay Indonesia đến vùng đất của người Khmer, chiến thắng nữ vương Nagini (hoặc Soma) con của vua rắn Naga, rồi lấy người phụ nữ này làm vợ và sinh ra dòng dõi các vị vua Khmer.

Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, nhằm chỉ con rắn hổ mang. Rắn hổ mang tượng trưng cho thần Shiva, vị thần hủy diệt và tái sinh, là một trong ba vị thần của Ấn Độ giáo (2 vị còn lại là Brahma và Vishnu). Đối với người Cambodia, rắn Naga được xem là vị thần canh giử nơi thiêng liêng, có khả năng bảo vệ mọi nguồn nước và các công trình thủy nông của người Khmer cổ. Trong Bà La Môn giáo và Phật giáo Theravada, rắn Naga không những là vị thần Mưa mà còn là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên cõi Niết Bàn. Vì vậy trên cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp của các kiến trúc tại Cambodia thường có hình rắn Naga, có thể được ôm bởi một dãy người, để xua đuổi tà ma và bảo vệ kiến trúc.

Ngày thứ nhất: Đến Siêm Riệp
Sau một đêm trên xe giường nằm đi từ Phan Rang vào Sài Gòn, dù chỉ mới 4g00 sáng nhưng vợ chồng tôi quyết định vẫn đến công ty Vietravel để chuẩn bị cho chuyến đi đến xứ sở thần Rắn. 8g30, chúng tôi rời Tân Sơn Nhất trên máy bay ATR của Angkor Air để đến Xiêm Riệp (Siem Reap - ខេត្ត សៀមរាប), có nghĩa là "Xiêm thất trận", nhắc đến chiến thắng vào thế kỷ 17 của Đế quốc Khmer trước quân Thái Lan thời vua Ayutthaya. Siem Reap là thành phố nhỏ phát triển chủ yếu để phục vụ du khách đến tham quan quần thể  Angkor Wat - Angkor Thom.


Vùng ven đô nhà dân thường xây dạng nhà sàn hoặc nhà một tầng ở dưới trống trải. Có thể do các nhà gần sông hồ sợ tới mùa nước lên tầng dưới sẽ bị ngập nhưng những nhà trong phố cũng xây kiểu này. HDV Việt Nam nói rằng khí hậu Cambodia nắng nóng nên xây nhà như vậy, ban ngày sống tầng dưới sẽ mát hơn. Người giàu nhất ở Siem Reap là người Việt có tên là Sáu Cò (tên Cambodia là Sok Kung), chủ của nhiều cây xăng và là chủ thầu của khu di tích Angkor, và người nghèo nhất là những người Việt trên trên Biển Hồ (Tonle Sap).


Nhận khách sạn, nghỉ trưa được một tí là chúng lên xe để bắt đầu tham quan khu di tích. Chúng tôi được hướng dẫn xếp hàng mua vé ngày 20USD/người. Vé được scan hình mỗi người để nhân viên khu di tích kiểm tra. HVD của đoàn nhắc chúng tôi tranh thủ leo bộ lên Phnom Bakheng, một ngọn đồi nằm giữa Angkor Wat và Angkor Thom, để kịp ngắm hoàng hôn. Con đường đất đỏ rộng chừng 3-4m, mù mịt bụi vì đông du khách. Đi bộ hơn 500m chúng tôi chỉ thấy toàn du khách đứng doc đường hướng về phía mặt trời, mà chẳng thấy gì đặc biệt. Chúng tôi bảo nhau "ngắm hoàng hôn ở đâu cũng vậy mà hành xác chi cho khổ. Chẳng khác chi bị lừa". Tuy nhiên, đi thêm một đoạn 100m nữa, chúng tôi mới thấy một ngôi đền trên đỉnh đồi. Đã đi phải đến tới cùng. Chúng tôi xếp hàng leo lên cầu thang khá dốc, chắc hơn 60 độ, để lên đền. Được biết, đây là trung tâm của vương quốc Khmer đầu tiên ở Angkor, dưới sự trị vì của vua Yasovarman (889-915) nên còn gọi là Yasodharapura. Đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi cao 65m, là ngôi đền Hindu được xây để thờ thần Shiva vào cuối thế kỷ IX. Ngôi đền đã đổ nát, ngổn ngang đá. Mọi người tranh thủ tìm chỗ để chụp cảnh hoàng hôn trên đền...




Ngày thứ hai: Tham quan di tích Đế Thiên, Đế Thích
Buổi sáng, chúng tôi tranh thủ dùng buffet để nạp năng lượng, chuẩn bị một ngày đi bộ. Điểm đến buổi sáng là thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của Đế quốc Khmer - Angkor Thom. Thành được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Do cổng thành hẹp nên chúng tôi phải chuyển từ xe lớn sang xe nhỏ hơn để di chuyển vào thành. Thành nằm sau trong rừng. Tường thành được xây bằng đá ong. HDV cho biết mỗi hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, đều có một cổng thành giống hệt nhau (có người nói còn một cổng phụ hướng Nam gọi là cổng Ma). Chúng tôi theo  đường dẫn qua cổng Đông thành thẳng tiến đến đền Bayon. Hai bên cổng có hai hàng tượng thần (Deva) - một bên Ác (mặt cau có), một bên Thiện (mặt vui tươi) - đứng trụ chân, ôm thân rắn thần Naga. Đây là tích Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh trong thần thoại Ấn Độ.

Đền Bayon gồm ba tầng với 4 hướng giống nhau. Hai tầng dưới được chạm trổ những phù điêu tinh xảo trên tường. Các phù điêu được coi là một biên niên sử thời đại Angkor, từ cảnh cuộc sống đời thường của người dân đến các hoạt động tại cung đình, từ các nghi lễ tôn giáo, sinh hoạt lễ hội đến các cuộc chiến với Chiêm Thành. Tầng trên cùng có 54 ngọn tháp hình 4 khuôn mặt khổng lồ của thần Lokesvara hướng ra bốn phía với nụ cười huyền bí, tượng trưng cho 54 tỉnh của triều đại Angkor. Đường lên tầng này cũng khá dốc khiến một số người trong đoàn không dám đi. Ngôi đền đổ nát khá nhiều do bị phá qua các triều đại và người dân đương đại. Theo giới thiệu của HDV, mọi người tranh thủ chụp hình cạnh tháp có gương mặt mang nụ cười đem lại hạnh phúc và may mắn.



Do thời gian không nhiều nên chúng tôi phải tranh thủ đi xuống. Nhưng vì lạc mất mấy người và phải chờ xe vào chở nên phải mất hơn 1 tiếng chúng tôi mới rời khỏi đền Bayon và đi tiếp.


Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là đền Rajavihara. Đền nằm cách Angkor Thom về phía đông và được xây dựng bởi vua Khmer Jayavarman VII năm 1189 nhằm tôn vinh hoàng tộc của mình. Đây là một tu viện và trường học theo Phật giáo Đại thừa. Đền này đã tiêu tốn rất nhiều công sức, vàng bạc và châu báu. Trong đền có ngôi mộ mẫu thân của vua là bà Jayarajachudanami. Theo HDV, bốn bức tường bằng đá có gắn rất nhiều kim cương. Vào những đêm trăng sáng, những hạt kim cương phản chiếu rực rỡ. Ở Cambodia, vị vua trị vì theo đạo giáo nào thì khuếch trương đạo giáo ấy và đạp đổ các tôn giáo khác. Nên đời vua sau theo đạo Bà-la-môn đã phá bỏ các tượng Phật và những gì liên quan đến Phật giáo trong ngôi đền. Cuối thế kỷ XII, quân đội Miến Điện và quân đội Xiêm đã chiếm ngôi đền và đem đi nhiều cổ vật, những viên kim cương tại gian chính điện đã bị cậy đi mất.

Ngôi đền đã bị bỏ quên nhiều năm giữa rừng và được phát hiện vào đầu thế kỷ XX. Những cây cổ thụ to lớn nằm xen chồng lên các bức tường đá. Cây cối phá nát nhiều kiến trúc nhưng đây cũng chính là điểm thu hút du khách. Ngay khi vào Angkor Thom, tôi nghe thấy các nhân viên ở đây nói chuyện với nhau thường hay nhắc đến từ nghe như là Tạp-rum. Tôi hỏi người HDV người bản địa từ đó có nghĩa gì thì được biết ngôi đền này được ông Prohm phát hiện nên người ta gọi theo tên đó. Tên bây giờ của đền là Ta Prohm (Ta: ông).



Ra khỏi đền Ta Prohm, cả đoàn tranh thủ đi ăn trưa và về khách sạn nghỉ lấy sức để chiều đi Angkor Wat.


14g00, đoàn chúng tôi trả khách sạn và lên đường đến đền Angkor Wat. Đền Angkor Wat được xây dựng dưới thời vua Suryavarman II (1113-1150) để thờ thần Visnu của Ấn Độ giáo. Khu Angkor Wat có chu vi gần 6 km với tường đá cao 8m và diện tích khoảng 200 ha. Đền được bao quanh bởi hào rộng 190m tạo nên một khu biệt lập, vuông vức. Cổng chính đền ở hướng tây. Ánh nắng chiều làm khu đền trở nên rực rỡ. Đường dẫn vào đền rộng gần 10m được làm bằng đá tảng. Có hai loại đá: loại cũ nguyên thủy đá ngà đục có 4 lỗ ở 4 góc có lẽ để đễ di chuyển; loại mới thì đá trắng hơn và không có lỗ.





Khu đền chính có 5 tháp chính tượng trưng cho núi Meru của Ấn Độ. Theo kinh thánh Ấn giáo, trên núi Meru “có những dòng sông nước ngọt chảy và những ngôi nhà bằng vàng làm nơi cư ngụ của các thần linh gọi là Deva, các đào hát Gandharva và các gái điếm Apsaras của Deva”. và được chia làm 3 tầng:

- Tầng Địa ngục: điểm độc đáo của tầng này là những bức tranh điêu khắc trên tường dọc hành lang. Những bức điêu khắc cao 2,5m miêu tả những chiến công của vua Suryavarman II, những điển tích sử thi  Mahabharata và Raymana của Ấn độ như trận chiến của đoàn quân của tướng khỉ Hanuman với quỷ vương Rãvana, cuộc chiến khuấy biển sữa... Tầng này còn có hồ nước dùng cho vua tắm rửa, tẩy rửa tội lỗi trước khi hành lễ.

- Tầng Trần gian: là một khoảng sân rộng được bao bọc bởi dãy tường thành, bên trong là các gian điện thờ các vị thần Visnu giáo to lớn bằng đá đen khoác áo vàng.

- Tầng Thiên đàng: là tầng cao nhất, nơi được xem là nơi cư ngụ của thần thánh. Tầng này được thiết kế theo truyền thuyết với tháp trung tâm tượng trưng cho Meru cao 65m. Quanh tháp là bốn hành lang hình vuông, mỗi góc hành lang có một tháp nhỏ hơn tượng trưng cho bốn thế giới ở bốn phương chính. Bốn mặt có các cầu thang đi lên tháp. Các cầu thang này cũng bằng đá, rất dốc và rất khó leo. Hiện nay, người ta đã không còn cho lên tháp bằng các bậc thang này, thay vào đó du khách lên tháp bằng một cầu thang sắt có tay vịn.





Cả đoàn 33 chúng tôi chỉ có 5 người lên tầng Thiên Đàng. Do HDV chỉ cho 15 phút nên vợ chồng tôi tranh thủ quay phim, chụp ảnh một chút rồi xuống cho kịp giờ ra phi trường bay về Phnom Penh.

Đặc trưng của Angkor Wat là hầu như chỗ nào cũng điêu khắc. Khoảng 5 triệu tấn sa thạch được sắp xếp trước, sau đó mới được điêu khắc. Kiến trúc làm hoàn toàn bằng đá, ngoại trừ cây đà gỗ gác ngang cửa. Các khối đá xếp chồng lên nhau, hầu như không kẽ hở, không chất kết dính. Mỗi khối sa thạch này nặng hơn 1 tấn được khai thác tại núi Kulen cách đó khoảng 90km. Theo một nghiên cứu mới đây, người Khmer đã cho đào một con kênh dài 32km ngang qua vương quốc của họ để vận chuyển các khối sa thạch. Nhờ vậy mà công trình đồ sộ này xây dựng chỉ mất hơn 35 năm trong khi theo tính toán, người Khmer xưa lẽ ra phải mất tới cả trăm năm. Công trình đồ sộ như vậy, nhưng khi kinh đô của đế quốc Khmer bị người Xiêm phá hủy và các nhà vua Khmer bỏ về Phnom Penh, Angkor Wat đã bị quên lãng giữa rừng già cho đến khi được Herri Mouhot phát hiện vào năm 1860.



Tạm biệt Siem Reap, chúng tôi lên máy bay vượt qua trên 300km để đến Phnom Penh. Trên máy bay hầu hết là du khách. Máy bay ATR bay khá thấp nên lúc nào chúng tôi cũng có thể thấy mặt đất. Tôi cố gắng quay cảnh Angkor Wat từ trên máy bay nhưng khi thấy được nó thì quá nhỏ, không quay rõ được.

Máy Bay đến Phnom Penh khoảng 18g00. Phi trường quốc nội Phnom Penh toàn muỗi là muỗi. Chờ lấy hành lý xong, chúng tôi trốn chạy khỏi phi trường. Đón chúng tôi là một cô gái Cambodia nhỏ nhắn, vui vẻ, tóc nhuộm vàng. Cô chỉ nói tiếng Anh nên tôi giới thiệu anh Việt kiều Úc trong đoàn để thông dịch, nhưng có lẽ ngại nên anh không nhận lời. Vậy là cô ấy nói ít hơn và ai hiểu thì hiểu. Tôi tranh thủ nhắn tin cho người bạn Facebook ở Phnom Penh tên Phar Na để tối đón đi dạo.

Dù không kẹt xe hẳn nhưng do đường đông xe ô tô hơn xe máy nên xe chúng tôi chạy khá chậm. Hơn 1 giờ chúng tôi mới về được trung tâm thành phố. Chúng tôi vào ăn tối tại một nhà hàng Trung Hoa (người Cambodia phục vụ nhưng thấy trang trí theo phong cách Hoa và chữ Hoa). Về đến khách sạn Phnom Penh, chưa tắm rửa đã 20g30. Tôi thử liên hệ với Phar Na nhưng không được. HDV có dặn sau 20 giờ không nên đi ra đường vì an ninh không tốt. Tôi nhắn tin tên và địa chỉ khách sạn cho Phar Na rồi ngủ sớm. Nhắn xong địa chỉ khách sạn cũng phát mệt vì tên dài ngoằn mà mình lại không hiểu gì.



Ngày thứ ba: Phnom Penh và Chùa vàng Chùa bạc
5g30, vợ chồng tôi dậy sớm sửa soạn ăn buffet sáng tại khách sạn. Ăn vừa xong thì nghe tiếng chuông điện thoại reo. "Chỉ có anh Phar Na gọi mình thôi", tôi nghĩ bụng. Quả vậy, Phar Na đã đến khách sạn và chờ tôi phía trước. Tôi trèo lên xe máy của anh để đi uống cà-phê sáng. Tôi tranh thủ gọi điện cho anh HDV Việt Nam nhắn dùm vợ là tôi ra ngoài với một người bạn. Người dân ở đây ít đội mũ bảo hiểm. Nếu có thì chỉ người ngồi lái. Phar Na chở tôi đến một quán ăn nhỏ nhưng vì đã ăn sáng nên chúng tôi gọi 2 ly cà-phê và hỏi chuyện nhau. Phar Na nói tiếng Việt khá rõ nên chúng tôi nói chuyện khá cởi mở. Cà-phê ở đây nhạt hơn Sài Gòn. Cà-phê Sài Gòn thua xa cà-phê Phan Rang nên chúng tôi hay gọi là nước chè đậu đen. Ngồi được hơn 15 phút thì đã cận giờ đoàn xuất phát nên tôi giục Phar Na chở mình về khách sạn. Phar Na móc tiền ra trả. Tôi hơi ngạc nhiên là tại thủ đô Cambodia, người bản xứ lại dùng tiền đô-la Mỹ.


Về tới khách sạn, tôi vội đi tìm vợ, dẫn ra giới thiệu cùng Phar Na và chụp hình lưu niệm. Chúng tôi chia tay Phar Na để lên xe tiếp tục chuyến tham quan Phnom Penh (ក្រុងភ្នំពេញ).


Điểm tham quan đầu tiên tại Phnom Penh của đoàn chúng tôi là Wat Phnom (Wat: chùa, Phnom: đồi)

Chùa được xây năm 1373 trên một ngọn đồi cao gần 30m. Tương truyền vào năm 1372 bà Penh (Yea Penh) tình cờ vớt được một cây gỗ trôi dạt trên sông. Khi chẻ thân cây, người ta phát hiện có 4 bức tượng Phật bằng đồng và một bức tượng Phật bằng ngọc nằm bên trong. Bà đã cho đắp một ngọn đồi rồi xây một ngôi chùa trên đó rồi đưa các tượng Phật về để cúng tế, thờ phụng. Vì thế người ta gọi là Wat Phnom (chùa đồi, gọi theo kiểu thường gọi của Việt Nam là chùa núi). Ngọn đồi và khu vực xung quanh được gọi là Phnom Daun Penh (Đồi bà Penh). Sau này, vua Chao Ponhea Yat (1421 - 1462) đã di chuyển kinh đô của đế chế Khmer từ Angkor Thom về Chaktomuk (nay là một phần của Phom Penh). Sau chùa, có một ngọn tháp lớn chứa tro hài cốt của vị vua này.



Bậc thang lên chùa có tượng thần rắn Naga hai be

Bậc thang lên chùa không dốc. Cũng như nhiều đền ở Cambodia, đường đi lên chùa có tượng của rắn thần Naga. Bên trái hậu viện có thờ tượng bà Pênh. HDV cho biết bà Pênh như thần tài và rất linh nếu xin về tài, lộc nhưng không nên xin về tình duyên. Từ phía này đi xuống là một công viên với chiếc đồng hồ lớn do Trung Quốc tặng. Trên đỉnh đồng hồ là bức tượng vua Ponhea Yat như đang ngồi ngự triều.

Tượng Bà Penh đặt ở trung tâm thành phố Phnom Penh

Thành phố Phnom Penh trước đây có tên là Krong Chaktomuk - Thành phố bốn mặt, thành phố nằm trên ngã tư của các sông Mekong, Bassac, sông Tonle Sap chạy qua tạo thành chữ thập. Krong Chaktomuk là viết tắt của một tên nghi lễ do vua Ponhea Yat đặt của tên đầy đủ là "Krong Chaktomuk Mongkol Sakal Kampuchea Thipadei Sereythor Inthabot Borei Roth Reach Seima Maha Nokor" (សេរី ធម៌ ឥន្រ្ទ បទ បុរី រដ្ឋ រាជ សីមា មហានគរ), dịch nôm na là "nơi của bốn con sông cung cấp cho hạnh phúc và thành công của vương quốc Khmer, lãnh đạo tối cao cũng như thành phố bất khả xâm phạm của Indra, Chúa tể của các vương quốc lớn".

Thành phố bốn mặt trên Google map

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Chùa Vàng chùa Bạc. Đó là gọi theo cách người Việt. Tên chùa chính thức là Chùa Phật Ngọc Lục Bảo (Wat Preah Keo Morokat).  Chùa nguyên thủy được xây bằng gỗ vào năm 1892 dưới thời vua Preah Bat Samedech Preah Norodom,  đến năm 1902 - 1903 chùa được xây lại với gỗ và gạch. Năm 1962, theo ý của Hoàng thái hậu Kossomak Nearyreath, chùa Sihanouk được xây mới bằng xi măng, các cột được ốp đá của Ý. Nền ngôi chùa được lát bằng 5329 miếng bạc  làm thủ công, mỗi miếng có trọng lượng 1,125 g. Vì thế, người Tây thường gọi là Chùa Bạc. Người ta đã phủ thảm nền chùa, chỉ để một khoảng nhỏ lộ ra cho du khách chiêm ngưỡng. Tâm điểm của ngôi chùa là bức tượng Phật bằng ngọc lục bảo. Phía trước là tượng Phật Di-lặc được vua Sisowath đúc bằng vàng ròng năm 1904, theo di huấn của vua Norodom. Tượng nặng 90 kg, được gắn 2086 viên kim cương, trong đó có viên kim cương 25 carat trên vương miện và viên kim cương 20 carat ở ngực. Ngoài ra, ngôi chùa còn lưu giữ rất nhiều bảo vật có giá trị, chủ yếu của Hoàng gia. Hậu điện có đặt một cái ghế phủ 23kg vàng dùng để kiệu đức vua diễu hành trong ngày đăng quang. Chùa là nơi Hoàng gia hành lễ trong các ngày đại lễ Phật giáo và không có sư trụ trì.


Mặt tiền Chùa Phật Ngọc

Trước chùa có tượng vua Norodom (1834-1904) cưỡi ngựa, hướng mặt về phía trước. Tượng được những nghệ nhân Pháp tạc tại Paris và do vua Napoleon III tặng năm 1892.


Chung quanh chùa có nhiều tháp mộ của các vị vua như vua Ang Duong (người đặt nền móng cho triều đại hiện nay), vua Norodom (Ang Vody, con trai vua Ang Duong), vua Norodom Suramarit và hoàng hậu Kossomak Nearireath (ông, bà nội của quốc vương Sihamoni). Ngoài ra, bên hông chùa có tháp mộ công chúa Kantha Bopha là con gái của vua Sihanouk, mất khi 4 tuổi do bệnh bạch cầu.


Tháp mộ vua Suramarit và hoàng hậu Kossomak

Sau chùa là một Angkor Wat thu nhỏ giúp cho du khách chiêm ngưỡng toàn cảnh khu di tích này.


Một điểm đến mà nhiều người trong đoàn háo hức xem, đó là sòng bạc. Chúng tôi có 45 phút để vào Casino Nagaworld. NagaWorld là sòng bài lớn nhất Phnom Penh. Các vệ sĩ cao to ăn mặc như cảnh sát đi lại trược cửa. HDV Cambodia dẫn chúng tôi vào. Mỗi người lớn được phát cho một tờ giấy giá trị tương đương 10 USD. Khung cảnh casino thật  sạch sẽ và sang trọng. Khu vực bên ngoài chúng tôi được phép quay phim, chụp hình nên chúng tôi vội canh góc để chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Sau đó, mỗi người tản ra một nơi để xem. Vợ chồng tôi đến một bàn gần cửa xem các cô gái chia bài. 

Khu đại sảnh có cả bảng quảng cáo bằng tiếng Việt

Nhìn một lúc chẳng hiểu chơi thế nào. Tôi định bụng coi một lát rồi ra cho kịp giờ. Thấy chúng tôi là khách lạ nên một vài thanh niên trẻ nói giọng miền Nam xà tới chỉ cho cách chơi. Hóa ra cách chơi na ná như bài cào. Mấy thanh niên nọ gạ đưa thẻ tiền cho tôi chơi, thắng được 5 USD, thua mất tờ giấy. Cả hai vợ chồng tôi đồng ý chơi và may mắn thắng. Chỉ thử vận may một ván, không đầu tư tiền bạc gì, rồi chúng tôi ra quầy đổi tiền coi như vận hên đầu năm.



Điểm đến cuối cùng như trong các cuộc du lịch khác là đi chợ. Nói là đi chợ mua sắm nhưng chúng tôi cũng chỉ được 30-45 phút. Chợ Phnom Penh có 4 cửa vào. Du khách đến chợ rất nhiều. Tôi thấy có khá đông du khách là người Việt. Các phụ nữ ở đây một số nói tiếng Anh, một số nói vài câu tiếng Việt, thỉnh thoảng có người nói tiếng Việt khá thành thục. Người mua có thể trả giá bằng tiền đo la Mỹ, tiền Riel của Cambodia và thậm chí cả tiền Việt. Tuy nhiên giá thường được làm tròn hàng ngàn cho tiền Riel lẫn tiền Việt. Các mặt hàng đặc trưng là đồ lưu niệm về Angkor Wat, trang sức bằng bạc. Giá cả rẻ hơn các điểm du lịch và phải mặc cả nhiều. Không có nhiều thời gian nên chúng tôi chỉ mua ít đồ lưu niệm, đi lướt qua đến trung tâm chợ rồi trở ra.

Để đề phòng kẹt đường, không kịp chuyến bay, đoàn chúng tôi phải ra phi trường sớm trước thời gian bay 3 tiếng. Đoạn đường tới phi trường Phnom Penh dù không xa, nhưng do nhiều xe phải đi chậm nên phải gần 1 tiếng chúng tôi mới đến nơi. Khu quốc tế của phi trường Phnom Penh khác hẳn khu quốc nội: không muỗi, thoáng sạch, hiện đại.





Chúng tôi lên máy bay lúc 20g35 và 21g00 máy bay cất cánh, sớm hơn trong chương trình 25 phút. Chúng tôi đã kịp chụp bức hình chung để kỷ niệm trước khi kế thúc chuyến du lịch đến xứ sở thần rắn Naga trong Tết Quý Tỵ.

1 nhận xét: