Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Ninh Thuận và những người nổi tiếng

Phan Rang, Ninh Thuận, miền đất nhỏ nhoi đầy nắng gió ở cực Nam Trung bộ. Có nhiều người không biết đến miền đất này dù rằng nơi đó đã có những con người nổi tiếng từng sinh ra và lớn lên hoặc có những người nổi tiếng đã làm quan ở đây. Tất cả những người nổi tiếng đó, không phải người địa phương nào cũng biết, kể cả những người làm văn hóa/lịch sử tại địa phương.

Chế Linh, tên thật là Jamlen (Trà-len), tên Việt là Lưu Văn Liên, sinh ngày 3 tháng 4 năm 1942 tại Paley Hamu Tanran, gần Phan Rang (nay thuộc Làng Hữu Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước – Ninh Thuận). Sau khi học hết bậc tiểu học Pháp ở trường làng và được các linh mục Pháp trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý, Chế Linh theo học tiếp bậc trung học tại trường Bồ Đề, Phan Rang Ninh Thuận.

Năm 1959, Chế Linh rời quê vào Sài Gòn. Sau những năm đầu bôn ba, khoảng 4 năm sau, anh nổi danh trong làng văn nghệ với dòng nhạc Bolero mà người ta quen gọi là nhạc sến với rất nhiều đĩa hát được thu âm.

Năm 1972, ông đoạt giải thưởng Kim Khánh, huy chương vàng đệ nhất hạng nam ca do một tờ báo tổ chức.

Chế Linh nổi danh từ thập niên 60 và được xem như là 1 trong 4 giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng thời kỳ đầu “tứ trụ nhạc vàng” cùng với Duy Khánh, Nhật Trường, Hùng Cường. Ông còn là người nổi tiếng với vẻ tài hoa khi có 4 bà vợ và hơn 10 người con.



Khác với những nhạc sĩ cùng thời với mình, ông là người nhanh chóng chiếm được trái tim khán giả khi có những ca khúc viết về tình yêu người lính Việt Nam Cộng hòa trong thời chinh chiến. Bên cạnh đó là những bản tình ca về đôi lứa trong một xã hội đầy khói lửa.


Những bài hát nổi tiếng của Chế Linh với bút danh nhạc sĩ Lưu Trần Lê: Đêm buồn tỉnh lẻ, Bài ca kỷ niệm, Mai lỡ mình xa nhau, Thương hận, Nụ cười chua cay… (xem: http://ninhthuan)

Đỗ Quang Em sinh năm 1942 tại Ninh Thuận. Ông học trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, tốt nghiệp năm 1965, ngành hội họa.

Năm 1966, ông cùng nhiều họa sĩ khác tham gia lập Hội Họa sĩ Trẻ ở Sài Gòn.

Năm 1971, ông đoạt huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Năm 1973 và 1974, ông giảng dạy hội họa tại Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.

Sau năm 1975 ông cố vượt biên nhưng bị bắt vào năm 1976, phải đi tù ba năm. Hơn mười năm sau ông mới được chính phủ cho phép xuất ngoại thăm con ở Hoa Kỳ.

Đỗ Quang Em là một họa sĩ theo phong cách tả thực. Hai đề tài ông vẽ nhiều nhất là tĩnh vật, thường là chén ấm trà, và chân dung phụ nữ. Ông chỉ vẽ những người thân trong gia đình và tĩnh vật. Tranh của ông thường được chú trọng về xếp đặt ánh sáng. Ông được xem là họa sĩ Việt Nam có tác phẩm được bán với giá cao nhất, khi phòng tranh Galerie La Vong ở Hồng Kông bán bức Ấm và tách trà của ông với giá 50.000 USD vào năm 1995.





Nhà phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy cho rằng họa sĩ Đỗ Quang Em vẽ tranh theo lối Tân hiện thực, hay nói cho chính xác là cực thực (hyperréaliste). Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, trong diễn văn đọc tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, có nhắc tới việc tranh của Đỗ Quang Em bán được giá cao, như thí dụ về ảnh hưởng của sự toàn cầu hóa tới Việt Nam.

Inrasara, tên thật là Phú Trạm, sinh ngày 20 tháng 9 năm 1957 tại làng Chakleng - Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Ông là một nhà thơ gốc Chăm nổi tiếng của Việt Nam hiện nay với những công trình nghiên cứu nổi tiếng như: Văn học Chăm I – Khái luận, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc 1994, Văn học dân gian Chăm – Ca dao – Tục ngữ, Câu đố, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Sử thi Akayet Chăm, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại (tiểu luận)…

Bên cạnh những công trình nghiên cứu, ông còn là nhà sáng tác và phê bình văn chương với các tác phẩm nổi tiếng như: Tháp nắng (thơ và trường ca) nhà xuất bản Thanh niên 1996, Sinh nhật cây xương rồng (thơ song ngữ Việt – Chăm); Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc 1997; Hành hương em (thơ), Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 1999.



Ngoài những điều trên, cuộc đời sự nghiệp của ông còn ấn tượng với nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam (1997- 2003) và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (Lễ Tẩy trần tháng Tư) năm 2005 tại Thái Lan; Giải thưởng của Trung tâm Lịch sử và Văn minh Đông Dương thuộc Đại học Sorbonne (Pháp) với công trình nghiên cứu Văn Học Chăm (tập 1) năm 1995; Nhân vật Văn hóa trong năm do Đài Truyền hình Việt Nam VTV bình chọn năm 2005; Năm 2009, ông được trao Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh; Năm 2015, ông nhận Giải thưởng của Văn Việt, về Nghiên cứu – phê bình.

Thương Tín, tên thật là Bùi Thương Tín (sinh năm 1956) là một diễn viên điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt, Thương Tín là một trong những diễn viên trước thập niên 90 tham gia nhiều phim truyện nhựa, video nhất Việt Nam (tính đến năm 2015) với hơn 200 phim.



Khi mới 13 tuổi, Thương Tín đã bỏ nhà trốn theo một gánh hát cải lương chỉ để được vào vai lính, vai tốt và theo đoàn lưu diễn ở khắp nơi. Sau đó, gia đình gửi ông vào học tại Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ ở Sài Gòn. Khởi đầu sự nghiệp từ bộ môn nghệ thuật cải lương nhưng Thương Tín được biết đến nhiều hơn cả là trong lĩnh vực điện ảnh. Minh chứng cho điều này, ông tham gia như: vai thiếu tá ác ôn Lưu Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa, tướng cướp Bạch Hải Đường lỳ lợm trong SBC, Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng.

Về đời tư, Thương Tín vốn là một nghệ sĩ đào hoa, ông đã có nhiều cuộc tình với nhiều nữ nghệ sĩ. Sau nhiều cuộc tình, ông nên duyên với ca sĩ Mỹ Dung và có một người con trai. Sau khi có gia đình, ông theo vợ qua California (Mỹ), nhưng vì không chịu được cuộc sống nhàm chán, nhớ quê nhớ nghề, ông một mình quay về nước cùng con trai để tiếp tục sự nghiệp của mình. Hiện nay, ông đã về hưu và về sống cùng ba mẹ ông tại Phan Rang để chăm sóc 2 ông bà.

Po Dharma, nguyên danh là Quảng Văn Đủ,sinh năm 1945 tại palei Baoh Dana (thôn Chất Thường), thuộc xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là một nhà nghiên cứu văn hóa sử người Chăm.

Xuất thân từ một gia đình nông dân gồm 7 anh chị em, Po Dharma là người duy nhất trong gia đình tốt nghiệp đại học.

Trong thời gian còn là học sinh, từ 1966 đến 1968, Po Dharma là thành viên tích cực trong phong trào bảo vệ văn hóa Chămpa trong môi trường Việt Nam ở Phan Rang. Tháng 9 năm 1968, ông trốn sang Campuchia gia nhập tổ chức Fulro và đổi tên thành Po Dharma. Po theo tiếng Phạn cũ là tên gọi tôn kính một cấp lãnh đạo hay một chức sắc, Dharma ở đây không mang nghĩa Phật giáo mà chỉ là ký hiệu tiếng Chăm của tên Đại Đủ. Từ đó Po Dharma trở thành tên gọi chính thức của Quảng Đại Đủ trong mọi giao dịch và tác phẩm nghiên cứu.

Tốt nghiệp trường liên quân Cao Miên (Ecole Militaire Interarmes du Cambodge) năm 1969 và sau nhiều thương tích trong chiến đấu võ trang, tháng 9/1972 Po Dharma được chính quyền Lon Nol cho sang Pháp du học. Năm 1978 ông tốt nghiệp cử nhân tại Phân khoa Lịch sử và văn tự học (Sciences historiques et philologiques) thuộc Đại học Sorbonne, năm 1980 đậu cao học tại Trường Cao đẳng thực hành (Ecole pratique des hautes études-EPHE) và năm 1986 tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Paris-III (Sorbonne).

Năm 1972, Po Dharma gia nhập Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Ecole française de l'Extreme-Orient - EFEO) với tư cách là cộng tác viên kỹ thuật chuyên về lịch sử và nền văn minh Chămpa và năm 1982 trở thành thành viên khoa học biên chế của trường. Năm 1987, ông được gửi sang Mã Lai để mở và tổ chức điều hành chi nhánh của trường EFEO tại Kuala Lumpur. Trở về lại Paris năm 1993, Po Dharma là giảng viên tại Trường Cao đẳng khoa học xã hội (Ecole des hautes études en sciences sociales - EHESS).

Năm 1999, Po Dharma được cử làm giám đốc chi nhánh của trường EFEO tại Kuala Lumpur. Năm 2003, ông lên chức Phó Giáo sư của trường EFEO và giảng dạy tại nhiều trường đại học Pháp (EFEO, EHESS, INALCO) và nước ngoài như đại học Malaya, đại học Kebangsaan (Mã Lai), đại học Tokyo (Nhật Bản), đại học Bắc Kinh, Quảng Châu, Quảng Tây (Trung Quốc). Ông cũng thường có mặt trên các diễn đàn khoa học quốc tế ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ để trình bày những đề tài liên quan đến Chămpa.

Về hưu năm 2016, Po Dharma đã cùng gia đình dọn nhà từ Sarcelles, một thành phố ngoại ô phía bắc Paris, về Toulouse, một thành phố nắng ấm miền Nam nước Pháp dưới chân núi Pyrénées.

Po Dharma đã dành trọn thời gian của đời mình để nghiên cứu và phục hồi bản chất Chăm trong lãnh vực lịch sử và văn hóa. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu trong lãnh vực này. Bên cạnh chuyên đề nghiên cứu và giảng dạy, Po Dharma còn nằm trong phái bộ trực thuộc Bộ Ngoại giao Pháp ở Kuala Lumpur để điều hành chương trình hợp tác song phương Pháp - Mã Lai về vấn đề xã hội và nhân văn, đào tạo sinh viên cấp thạc sĩ và tiến sĩ chuyên về lịch sử và văn hóa Chămpa và tổ chức hơn 15 hội thảo quốc tế về mối liên hệ giữa Chămpa và thế giới Mã Lai, đặc biệt là các nguồn phương ngữ Đông Dương (Indochina), Mã Lai và Nam Á (Austronesian).

Trong hơn 40 năm làm việc trong ngành nghiên cứu khoa học và xã hội Chămpa, Po Dharma đã xuất bản 14 tác phẩm khoa học về lịch sử và văn hóa Chămpa ; tập trung hơn 2.565 trang viết bằng tiếng Pháp và song ngữ Pháp-Mã Lai. Ông cũng từng làm chủ biên của 7 công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa Chămpa và thế giới Mã Lai, tổng cộng hơn 1.283 trang, 45 bài khảo luận đăng rải rác trên mặt báo chí khoa học trên thế giới tập trung gần 700 trang.

Các tác phẩm của Po Dharma, dựa trên tài liệu lưu trữ và bản thảo viết bằng chữ viết tay, tập trung vào lịch sử và nền văn minh Chămpa từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX. Ông đã cùng với Giáo sư Pierre-Bernard Lafont thực hiện một bản danh mục gồm các bản thảo thư viện Pháp và thư mục về Chămpa và Chăm, một bài phê bình về các tác phẩm của những người tiên phong nghiên cứu về chữ chăm. Ngoài ra Po Dharma còn cho xuất bản một tài liệu văn hóa bằng tiếng chăm cổ. Nhưng công trình đóng góp phục hồi và lưu trữ lịch sử và văn hóa chăm đáng kể nhất của Po Dharma là đã vi tính hóa các bản thảo và tài liệu lưu trữ bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của thời gian (Bộ sưu tập nghiên cứu các bản thảo chăm, bản sao lại các bản thảo Chăm).

TS Po Dharma. Nguồn https://www.nguoicham.com


Đối với những nhà sử học và dân tộc học, công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử lãnh địa Panduranga-Champa cổ (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) của Po Dharma rất là quí giá vì tính khoa học và khách quan của nó. Po Dharma đã đối chiếu của nguồn sử liệu của hoàng gia Chămpa với biên niên sử Việt Nam, biên niên sử Khmer, biên niên sử Malay cũng như những câu chuyện về du khách Châu Âu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là "Vương quốc Chămpa - Lịch sử 33 năm cuối cùng"

Nhà văn hóa sử học Po Dharma vừa từ trần ngày 21/02/2019 tại thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp, sau một cơn bạo bệnh, hưởng thọ 74 tuổi.

Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 (có nguồn là 1939) tại Phan Rang, Việt Nam. Ông là út trong một gia đình khá giả có ba người con. Gia đình Nguyễn Đình Ánh chuyển đến Nha Trang và năm ông 11 tuổi thì vào Sài Gòn. Nguyễn Ánh 9 là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng và còn là một nhạc công chơi dương cầm. (wikipedia)


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang chuẩn bị cho liveshow riêng tại Hà Nội (nguồn: https://hanoimoi.com.vn)


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là một tín hữu Công giáo Rôma, ông có tên thánh là Giêrônimô (Jerome). Vợ chồng Nguyễn Ánh 9 - Ngọc Hân có với nhau hai con trai là nhạc sĩ Nguyễn Quang và Nguyễn Đình Quang Anh – cả hai đều theo con đường âm nhạc.

Ông qua đời vào lúc trưa 14 giờ 00, ngày 14 tháng 4 năm 2016 do bệnh viêm phổi, suy tim.

Nguyễn Văn Thiệu sinh ngày 5 tháng 4 năm 1923, tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận, rửa tội theo Công giáo với tên thánh là Martino. Ông là con út trong gia đình có bảy người con (năm trai, hai gái) nên lúc nhỏ được gọi là cậu Tám. Học hết lớp 9 ở quê nhà ông lên Sài Gòn để học nghề ở Trường Kỹ thuật Đỗ Hữu Vị. Sau đó, ông vào học trong một trường dòng Công giáo của Pháp là Pellerin tại Huế.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc năm 1945, ông tham gia lực lượng Việt Minh, nhập ngũ vào Quân đội (số quân: 43/300.661) ghi danh khóa đầu tiên khai giảng ngày 1-10-1948 (Khoá Bảo Đại, sau cải danh thành Khóa Phan Bội Châu) tại Trường Võ Bị Huế. Đầu năm 1951 ông được thăng lên Trung úy đi học khóa Chỉ huy Chiến thuật tại Hà Nội. Cũng trong năm này ông kết hôn với Nguyễn Thị Mai Anh, con gái của một người hành nghề y thành đạt gốc ở Mỹ Tho thuộc tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Bà là một tín đồ Công giáo Roma. Sau đó ông đã cải đạo, theo tôn giáo của vợ.

Năm 1954, ông thăng Thiếu tá chỉ huy Liên đoàn Bộ binh số 11 và đã dẫn đầu một cuộc hành quân đánh vào làng quê Thanh Hải, nơi ông từng sinh sống. Việt Minh rút lui vào căn nhà cũ của gia đình Nguyễn Văn Thiệu, tin rằng ông sẽ không tấn công tiếp, nhưng họ đã nhầm. Ông đã cho nổ mìn đánh bật được lực lượng Việt Minh ra khỏi khu vực, nhưng đồng thời căn nhà nơi ông sinh ra và lớn lên cũng bị phá hủy. Tháng 7 làm Trưởng phòng 3 Đệ nhị Quân khu Trung Việt do Đại tá Trương Văn Xương làm Tư lệnh. Tháng 10 ông làm Tham mưu trưởng Đệ nhị Quân khu sau khi bàn giao chức Trưởng Phòng 3 cho Thiếu tá Trần Thiện Khiêm. Cuối năm đi làm Tiểu khu trưởng Ninh Thuận thay Thiếu tá Đỗ Mậu.

Sang thời Đệ nhất Cộng hòa năm 1955 ông được thăng lên Trung tá với chức Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Đà Lạt thay Trung tá Nguyễn Văn Chuân sau khi bàn giao Tiểu khu Ninh Thuận lại cho Thiếu tá Thái Quang Hoàng. Tháng 7-1957 ông bàn giao Trường Võ bị cho Đại tá Hồ Văn Tố du học khoá Chỉ huy & Tham mưu cao cấp tại Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ. Năm 1959 ông giao Trường Võ bị cho Thiếu tướng Lê Văn Kim để đi học khóa Tình báo Tác chiến tại Okinawa, Nhật Bản, sau đó đi du học lớp Phòng không tại Trường Fort Bliss, Texas, Hoa kỳ. Năm 1963, ông tham gia lực lượng đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau đảo chính, ông được phong hàm Thiếu tướng Ủy viên Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Đầu năm 1965 ông được thăng làm Trung tướng và giữ chức đệ nhị Phó Thủ tướng nội các Trần Văn Hương. Nguyễn Văn Thiệu giao Quân đoàn IV cho Thiếu tướng Đặng Văn Quang (nguyên Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh). Ông được bổ làm Đệ nhất Phó Thủ tướng trong nội các Phan Huy Quát kiêm Tổng trưởng Quân lực thay Trung tướng Trần Văn Minh, kiêm làm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Hội đồng Quân lực. Cũng năm này, chính phủ của Thủ tướng Phan Huy Quát đã giải tán và trao quyền lãnh đạo quốc gia lại cho Hội đồng Quân lực. Hội đồng tướng lĩnh đã bầu ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương. Ông trở thành Quốc trưởng và Tướng Kỳ trở thành Thủ tướng của Chính phủ mới. Năm 1967, dưới sự hậu thuẫn từ phía Mỹ và lực lượng đảng Dân chủ do chính ông thành lập, ông được bầu làm tổng thống, tuyên bố thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam, với 38% số phiếu. Ông giữ chức này cho đến khi chính thể Đệ nhị Cộng hòa sắp sụp đổ vào cuối tháng 4 năm 1975. Đêm 25 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu rời Việt Nam với tư cách là đặc sứ của Việt Nam Cộng hòa đến Đài Bắc để phúng điếu Tưởng Giới Thạch.

Ông Thiệu qua đời vào ngày 29 tháng 9 năm 2001 tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess Medical Center tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, sau khi đột quỵ tại nhà vùng Foxborough thọ 78 tuổi. Ông được chôn cất tại Boston.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngày Quân Lực 1973, nguồn ongvove
Ông thông thạo hai ngoại ngữ: tiếng Anh và tiếng Pháp. Cựu Bí thư kiêm Tham vụ Báo chí Hoàng Đức Nhã, cựu bộ trưởng Dân vận và Chiêu hồi của VNCH, và cũng là em họ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận xét về ông như sau: "Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người ái quốc, có đường lối lãnh đạo quốc gia rất rõ ràng theo quy định của Hiến pháp mà không phải là người bất chấp Hiến pháp. Cho đến hơi thở cuối cùng, dù không còn làm Tổng thống nữa, ông vẫn muốn tập thể Việt Nam ở hải ngoại hậu thuẫn giúp cho đồng bào ở trong nước vẫn sống trong một chế độ không được dân chủ ở Việt Nam hiện nay." (nguồn: wikipedia)

Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901 tại làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình trong một gia đình quan lại có truyền thống theo đạo Công giáo lâu đời ở Việt Nam. Vào thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã cải đạo cho dòng họ ông, nên tên thánh của ông là Gioan Baotixita (João Batista).
Cha ông là Ngô Đình Khả và mẹ ông là Phạm Thị Thân, quê quán ở làng Đại Phong xã Phong Thủy huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, từng làm Thượng thư triều đình nhà Nguyễn kiêm Phụ đạo Đại thần và cũng là cố vấn của vua Thành Thái. Ngô Đình Diệm là người con thứ ba trong gia đình với hai người anh đầu là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục.

Ngô Đình Diệm (chữ Hán: 吳廷琰; 1901–1963) là một chính trị gia Việt Nam. Ông là quan nhà Nguyễn, Thủ tướng cuối cùng của Quốc gia Việt Nam và là Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa.

Theo giáo-sư Nguyễn Lý Tưởng, trong bài "Bổ Túc Vài Điều về Họ Ngoại của Cố Hồng Y (Nguyễn Văn Thuận)" thì:

            “Ông Ngô Đình Diệm (1901-1963)
            Năm 1918 (vào năm 17 tuổi) thi vào trường Hậu Bổ, sau 03 năm tốt nghiệp (tức 1921, vào năm 20 tuổi), lần lượt giữ các chức vụ:
            Tri huyện Hương Thủy (1922, vào năm 21 tuổi),
            Tri huyện Quảng Điền (1923, vào năm 22 tuổi),
            Tri phủ Hải lăng (1925, vào năm 24 tuổi),
            Quản đạo Ninh Thuận (1927, vào năm 26 tuổi),
            Tuần vũ Bình Thuận (1930, vào năm 29 tuổi),
            Thượng Thư Bộ Lại (1933, vào năm 32 tuổi) được hơn 02 tháng thì từ chức...” (nguồn: http://lexuannhuan)

Thời kỳ 1942-1944, Ngô Đình Diệm tham gia thành lập và lãnh đạo tổ chức Đại Việt Phục hưng Hội, dựa Nhật chống Pháp với thành phần nòng cốt là quan lại, linh mục, cảnh sát, và lính khố xanh bản xứ tại Trung Kỳ.

1954 làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam theo lời mời của Bảo Đại

1955, Quốc gia Việt Nam tổ chức cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam,  đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Quốc trưởng.

Chính thể mới Việt Nam Cộng Hoà được thành lập vào ngày 26 tháng 10 năm 1955 và sau đó ông được bầu làm Tổng thống nền Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam.

Ngày 2/11/1963, ông bị ám sát trong cuộc đảo chính của các tướng lĩnh VNCH.



Nguyễn Thị Bích (1830-1909), còn được gọi là Nguyễn Nhược Thị Bích hay Nguyễn Nhược Thị, tự: Lang Hoàn; là tác giả bài Hạnh Thục ca trong văn học Việt Nam.

Lịch sử nhà Nguyễn ghi nhận một bậc tài nữ vô cùng nổi tiếng: vừa là phi tần của Hoàng đế, vừa giữ chức nữ quan. Đó là Dực Tông đế Tam giai Lễ tần Nguyễn Nhược thị, huý Bích, tự Lang Hoàn, thuỵ Lễ Thuận.

Lễ tần Nguyễn Thị Bích tự Lang Hoàn. Người huyện An Phước, đạo Ninh Thuận là con gái thứ 4 của Thanh Hóa Thừa nguyên Bố chính sứ Hộ lý Tổng đốc Nguyễn Nhược Sơn. Mẹ là Thục nhân Nguyên thị. Nhờ tư chất thông minh, lại được đi học ngay từ nhỏ nên bà sớm nổi tiếng về tài văn chương. Vừa có tài sắc, lại được Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa tiến cử, năm 18 tuổi (Tự Đức nguyên niên, 1848), Nguyễn Nhược Thị Bích được tuyển vào cung. Trong một buổi ngâm vịnh, Vua Tự Đức xướng đề thơ Tào Mai (Hoa mai sớm nở) và bài họa của bà được nhà vua khen tặng 20 nén bạc, đồng thời cho sung chức Thượng Nghi Viên Sư, để dạy học trong nội cung.

Sau đó, bà lần lượt được phong: Tài nhân (1850), Mỹ nhân (1860), rồi Quý nhân.

Năm 1868, bà được tấn phong là Lục giai Tiệp dư. Theo sử nhà Nguyễn, thì trong khoảng thời gian bà được cử làm thầy dạy "kinh điển và dạy tập nội đình" cho Đồng Khánh khi ông chưa lên ngôi. Vì thế, trong cung người ta còn gọi bà là Tiệp Dư Phu Tử. Chính bởi vậy bà Tiệp dư được Tự Đức tin cậy, yêu mến, thường cho cùng đi trong những buổi vua đến vấn an mẹ và những cuộc trao đổi riêng với Hoàng thái hậu Từ Dụ về công việc trong triều, trong hoàng tộc, những diễn biến của đất nước. Một thời gian sau, Tiệp dư Nguyễn Thị Bích trở thành Bí thư cho Thái hậu Từ Dũ, nhờ vậy mà bà nghe được nhiều điều trao đổi giữa thái hậu và vua, bởi những lúc đó chỉ mình bà được ở gần hầu hạ.

Sau khi vua Tự Đức qua đời (1883), mọi ý chỉ sắc dụ của Lưỡng Tôn cung (chỉ Hoàng thái hậu Từ Dụ và Chính phi Trang Ý) đều do một tay bà soạn thảo.

Trong thời kỳ "tứ nguyệt tam vương" (bốn tháng ba vua), cũng như những người ở nội cung, Tiệp dư Nguyễn Nhược Thị Bích phải chịu sự chuyên chế của hai phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trong việc phế lập các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc.

Tháng 5 năm Ất Dậu (tháng 7 năm 1885), cuộc phản công của phe chủ chiến ở Kinh thành Huế thất bại. Phụ chính Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, bà hộ giá Tam cung chạy ra Quảng Trị (đoàn chỉ đến đây rồi trở lại Khiêm Lăng-Huế). Nhưng không lâu sau, vì hoàn cảnh quá khó khăn nên không lâu sau bà rước Tam cung trở lại Huế, đến lánh ở Khiêm Lăng (Lăng vua Tự Đức) rồi trở về hoàng cung, chịu sự quản chế của Pháp. Nhân sự kiện này, bà sáng tác bài Hạnh Thục ca (còn có tên Loan dư Hạnh thục quốc âm ca) bằng chữ Nôm kể lại sự kiện lịch sử ấy, mượn tích truyện vua Đường Huyền Tông ở Trung Quốc bỏ kinh đô, chạy vào đất Thục để tránh loạn An Lộc Sơn mà qua đó nói về tình hình đất nước với những biến cố từ khi quân Pháp xâm lược.



Năm Thành Thái thứ 4 (1892), bà được Thái hoàng thái hậu Từ Dụ tấn phong làm Tam giai Lễ tần.

Tháng 11 (âm lịch) năm Duy Tân thứ 3 (1909), Nguyễn Thị Bích qua đời tại Huế, thọ 79 tuổi. Lăng mộ bà hiện ở làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế.



Tác phẩm của Nguyễn Thị Bích có một số bài thơ chữ Hán và một tác phẩm có tên là Loan dư Hạnh thục quốc âm ca (còn gọi là Hạnh thục ca) bằng chữ Nôm, dài 1036 câu theo thể thơ lục bát, phần lớn kể lại mọi biến cố xảy ra từ khi quân Pháp sang đánh chiếm Việt Nam cho đến khi Thành Thái lên nối ngôi vua. (nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki, https://www.facebook.com/)

Hành trạng của bà được ghi chính thức vào Đại Nam Chính biên Liệt truyện, có thể xem là một vinh hiển rất cao đối với một phi tần triều Nguyễn vì Liệt truyện chỉ chép về truyện của các bậc Hoàng hậu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét