Tháng Tám - Tháng của những cơn gió se se lạnh, tháng có thể tạo nguồn cảm hứng cho các thi nhân. Nhưng riêng tôi đó là tháng gợi lại nhiều ký ức tuổi thơ đau buồn. Nhìn vào cuộc sống hiện tại của đại gia đình tôi, nhiều người trầm trồ cho rằng đó là một gia đình hạnh phúc và tôi là con gái duy nhất trong gia đình.
Ừ gia đình tôi hạnh phúc thật! Tuy nhiên sau bức màn màu hồng vẫn có nhiều mảng tối. Chỉ có những ai từng trải qua giai đoạn khủng khiếp của thời bao cấp mới biết được gia đình tôi đã phải chịu nhiều nỗi đau khổ ra sao. Má tôi sinh ra bảy người con. Tôi là thứ ba, sau tôi ngoài Kinh Thi và Kinh Tài còn có hai đứa em gái rất xinh. Kinh Doanh có khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt to lúc nào cũng ươn ướt như mắt nai. Má nhận xét: "Con bé Doanh sau này sẽ khổ vì tình mất thôi”. Còn Thiên Lý, sinh ra trong thời loạn lạc vừa kết thúc, lại sở hữu một khuôn mặt trái xoan trắng trẻo và đôi mắt đen lay láy đầy tinh anh. Nếu Kinh Doanh nhạy cảm, dễ xúc động thì Thiên Lý hoạt bát và rất thông minh. Anh Kinh Bang chép miệng: “Con bé này lớn lên thì phải biết, con trai xếp hàng theo sau hàng tá”. Tôi không được nhan sắc như hai em. Ngắm làn da nâu đen, cái mũi thấp cùng chiếc cằm hếch của mình đôi lúc tôi thấy tủi thân. Nhưng tôi nào dám trách má. Ý Trời mà! Tôi rất thương hai em gái của mình. Ba chị em lúc nào cũng quấn quýt bên nhau. Những buổi chiều, tôi thường dắt hai em qua vườn mận của cô Trí ở gần nhà để chơi. Tối, ba chị em dung dăng dung dẻ cùng các anh em trai đến nhà thờ Thánh Gia Mỹ Đức đọc kinh, dự lễ. Sau lễ còn ở lại chơi năm mười, rượt bắt với bọn trẻ ở gần đó rồi mới về. Tuổi thơ của chúng tôi tuy vất vả nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Vậy mà vào tháng Tám năm 1978, hai đứa em gái lần lượt xa rời chúng tôi mãi mãi.
Tôi lần giở lại những tấm hình mà ba tôi đã chụp trong khi gia đình tôi di tản. Chỉ có hai tấm hình duy nhất ghi lại gương mặt của Kinh Doanh. Còn Thiên Lý, em ra đi khi tuổi đời còn quá nhỏ - ba tuổi - nên chưa kịp chụp hình. Mà má tôi cũng không muốn để di ảnh của hai em lên bàn thờ. Má sợ khi đọc kinh, nhìn lên bàn thờ thấy hình của hai em má chịu không nỗi.
Không di ảnh nhưng những kỷ niệm về hai đứa em gái bé bỏng thân yêu vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Tôi nhặt những hạt nhãn đen rơi vương vãi trước sân nhà. Đó là sản phẩm của lũ dơi sau một đêm đi kiếm ăn. Bọn dơi tinh ranh nhai hết lớp cơm ngọt bên ngoài rồi nhả hạt ra. Mỗi sáng, những chùm nhãn của nhà hàng xóm lại vơi đi một ít. Những hạt nhãn đen nhánh lại là món ăn vặt của chị em chúng tôi. Thời đó nhà tôi rất khó khăn, bữa cơm lúc nào cũng độn khoai, sắn
khô hoặc bo bo. Ba má chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi lấy đâu dư tiền mà mua bánh kẹo cho chúng tôi. Vì vậy, mỗi sáng sớm khi sương còn đọng trên những chùm hoa dạ lý hương thơm ngào ngạt trước sân nhà, tôi đã nhanh chân chạy ra nhặt những hạt nhãn bỏ vào bị rồi đem cất vào góc bếp. Này nhé, nấu cơm xong, vùi hạt nhãn vào đống tro còn nóng hổi, nghe nổ “bụp” là lấy đũa sắt khơi ra, lột vỏ, vừa thổi vừa bỏ vào miệng nhai. Vị nhãn nướng ngọt, bùi chẳng khác gì hột mít. Mùa nhãn, lũ dơi tha hồ thưởng thức cơm nhãn còn chị em tôi nhặt hạt nhãn rất nhiều. Không nướng kịp, tôi nghĩ cách bỏ vào nồi rồi luộc lên để ăn. Cũng tuyệt lắm! Không ngờ chính những hạt nhãn đó lại là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết thương tâm cho Kinh Doanh.
Sau những ngày nắng gắt, trời chợt chuyển mùa. Những cơn mưa tháng Tám khiến tuổi thơ thích thú. Chúng tôi rất thích cởi trần tắm mưa. Có gì tuyệt vời bằng khi ngửa mặt lên trời hứng lấy những giọt nước mát lạnh của thiên nhiên. Sau mấy ngày tắm mưa, Kinh Doanh phát sốt. Cứ ngỡ em tôi sốt nhẹ không ngờ chuyển sang động kinh. Hàng xóm ngỡ em bị trúng gió nên giúp cạo gió, lễ lấy máu bầm rồi cắt chanh chà khắp tay chân. Cơn sốt vẫn hành hạ em. Khuôn mặt ba má tôi thảng thốt. Chúng tôi đứng bất lực nhìn em co giật từng cơn và chỉ biết cầu nguyện trong nước mắt. Cuối cùng ba má quyết định đưa em đi bệnh viện. Mấy anh em tôi ở nhà trông chờ niềm hy vọng. Một tiếng đồng hồ trôi qua. Ba má ẳm em tôi trở về. Chúng tôi ùa ra đón. Khuôn mặt ba nhợt nhạt: “Em Doanh mất rồi!” Giọng má uất ức: “Bác sĩ bảo em bị ngộ độc do ăn hạt nhãn nên súc ruột. Bác sĩ đút ống sau vào thực quản em để hút. Không chịu nổi em hét lên một tiếng rồi đi luôn. Tôi nắm chặt hai bài tay, nước mắt rơi mặn môi: “Ăn hạt nhãn mà cũng bị ngộ độc à? Tôi ăn nhiều hơn em nhưng có sao đâu. Bác sĩ chẩn đoán gì kỳ vậy?! Ừ, Sau chiến tranh, các bác sĩ giỏi rất hiếm. Một bệnh viện nhỏ ở thị xã Phan Rang Tháp Chàm làm sao có bác sĩ giỏi”. Tôi uất ức trong nỗi đau đớn. Tôi đổ những hạt nhãn đã được luộc chín vào bị rác. Những hạt nhãn muộn phiền, héo hắt nằm lăn lóc không ai nhặt.
Tuy đã tận mắt chứng kiến nhiều cái chết thương tâm trên con đường chạy loạn nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự mất mất tột cùng do cái chết mang đến. Vượt qua làn bom đạn khủng khiếp, vượt qua con sông Ba đục ngầu dữ dội, ba má vẫn đưa đàn con trở về an toàn. Vậy mà khi chiến tranh đã kết thúc, em gái của tôi- chỉ mới bảy tuổi- lại ra đi vĩnh viễn. Anh Kinh Bang, anh Kinh Kha ngồi ủ dột trong một góc nhà. Hai đứa em trai Kinh Thi và Kinh Tài ngơ ngác không kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Còn Thiên Lý vì quá nhỏ chưa có khái niệm về cái chết nên cứ bi bô như chim sơn ca. Tôi ngồi cạnh Doanh, đưa tay vuốt nhẹ lên đôi má bầu bĩnh của em. Em tôi đang ngủ đấy mà. Cơn mơ đêm trước hiện rõ trong tâm trí tôi. Tôi thấy mình cầm tay Doanh và Lý đến một nơi rất lạ, ánh lửa bập bùng được phát ra từ một đống củi khô soi sáng cả vùng. Nhiều người mặt áo trắng cầm tay nhau nhảy quanh đống lửa và hát. Tôi nhìn lại hai em mình, đứa nào cũng mặc áo chùng trắng như thiên thần, chỉ riêng tôi vẫn mặc bộ áo quần cũ. Vòng người tỏa ra và bao vây ba chị em tôi. Thoáng chốc, tay hai em tuột khỏi tay tôi. Tôi hét lớn trong nỗi lo sợ: Doanh, Lý! Tiếng hét của tôi rơi vào khoảng trống. Nhóm người áo trắng kéo hai em tôi đi xa dần… Tôi choàng tỉnh, mồ hôi vã ra như tắm. Chưa kịp kể cho ai nghe về giấc mơ lạ lùng ấy. Sáng hôm sau, khi tôi giặt áo quần, bé Doanh cầm chiếc quần trắng đến nhờ tôi: "Chị giặt giùm em cái quần này.” Nhìn chiếc quần vẫn còn sạch, tôi ngạc nhiên: “Còn sạch mà.”. "Thì chị cứ giặt giùm em đi!” Doanh năn nỉ. Nhìn đôi mắt to bắt đầu ngân ngấn nước, tôi mềm lòng. Chẳng lẽ giấc mơ ấy, sự việc ấy là điềm báo trước?!
Em tôi mặc bộ đồ trắng nằm thảnh thơi trên giường đặt giữa nhà. Đôi môi dẫu ra như nũng nịu. Hai bàn tay em vẫn còn mềm và ấm. Đôi mắt to tròn ẩn dưới hàng mi dài đã khép lại, khép lại một kiếp người chưa bao giờ chạm đến hạnh phúc. Khuôn mặt như một thiên thần, em tôi đi thật đẹp, vượt ra ngoài mọi sự bi lụy của âm dương cách biệt.
Ba ngày trôi qua trong sự nặng nề. Ba má tôi mượn chiếc xe cải tiến của bà hàng xóm để chở gạch và xi măng ra nghĩa trang xây mộ cho Maria Doanh. Nắng lên cao, ba má vẫn chưa về. Bà hàng xóm qua nhăn nhó: “Đi tìm ba má bảo đem xe về trả cho bác. Mượn gì mà cả buổi.” Tôi năn nỉ: “Xây mộ cho em con xong, ba má con sẽ trả cho bác ngay!” Bà hàng xóm vẫn lạnh lùng: “Bác không chờ được!”. Nhìn khuôn mặt vô cảm và giọng lạnh băng của bà ta, lòng tự ái của cô bé 12 tuổi trổi dậy trong tôi, tôi gật đầu: “Bác hãy chờ. Cháu sẽ đi!”. Tôi đội nón, dặn hai đứa em trai coi nhà rồi ẳm Thiên Lý đi tìm nghĩa trang. Tôi vừa đi bộ vừa hỏi đường. Tôi đâu nghĩ nghĩa trang lại xa như thế. Đôi tay tôi bế em mỏi nhừ. Cặp chân như muốn khụy xuống. Cuối cùng tôi cũng đến được nơi. Vừa thấy bóng hai chị em tôi, má hoảng hốt: “Trời ơi! Trưa nắng răng con lại bồng em đến đây!" Tôi nhìn đồng hồ trên tay ba: 12 giờ. Trời, tôi đã đi bộ gần một tiếng. Tôi tóm tắt ngắn gọn lời của bà hàng xóm trong hơi thở đứt quãng. Ba giận dữ: “Người đâu mà tàn nhẫn!”. Mẹ ẳm em Lý từ tay tôi. Đôi má em đỏ ửng. Tối đó em Lý phát sốt. Mẹ trách tôi: “Tại con bồng em đến nghĩa trang vào lúc 12 giờ trưa đó!” Tôi giật mình sợ hãi. Giấc mơ đêm nào lại hiện về trong tôi. Cơn sốt lan sang cả hai em trai của tôi. Mẹ phải đưa cả ba đứa nhập viện. Má túc trực luôn ở đó còn ba chạy ra chạy vào. Căn nhà của tôi càng hiu quạnh hơn. Kinh Thi và Kinh Tài có triệu chứng giảm sốt riêng bé Lý vẫn còn sốt li bì. Tôi rất nhớ em nhưng không thể nào vào thăm được. Xe đâu mà đi. Bé Lý sốt đã sáu ngày. Anh em tôi ở nhà cứ ngóng ra ngóng vào. Xe cứu thương đỗ sịch trước sân. Chúng tôi ùa ra. Má bước xuống, trên tay ẳm em Lý. Em nằm bất động. Tôi đứng chết lặng. Mẹ nghẹn ngào: “Từ lúc nhập viện đến giớ, em chỉ mở mắt nhìn mẹ một lần rồi đi luôn". Tôi không còn nước mắt để chảy nữa. Cổ khô đắng, ngực đau nhói. Có ai ngờ chỉ trong chín ngày, tôi mất hai em gái.
Tôi vuốt những làn tóc tơ của Thiên lý. Em ra đi cũng thật đẹp. Đôi môi dẫu ra nũng nịu y hệt bé Doanh. Hai Thiên thần nhỏ bé của chị.
Sự ra đi liên tiếp của hai em tôi trở thành đề tài nóng sốt trong cả khu cư xá. Tôi trở thành đứa con gái duy nhất còn lại của gia đình. Cả tuổi thơ đẹp của chị em tôi chỉ còn lại trong miền ký ức. Một tuần sau khi em Lý mất, có một đôi bướm trắng bay vào nhà, má tôi bảo: “Hai em trở về thăm chúng ta đấy.” Đôi bướm quanh quẩn một lúc rồi bay vút đi. Tôi nhìn theo: “Tạm biệt hai em!"
Đã gần đến ngày giỗ của hai em. Vẫn tháng Tám khí trời mát mẻ nhưng trước sân nhà không còn vương vãi những hạt nhãn đen do lũ dơi nhả xuống bởi cây nhãn nhà bên đã quá già cỗi. Ngôi nhà cũ ngày nào đã được ba má tôi sửa và xây lại. Con đường đất trước ngõ nay được mở rộng và tráng nhựa. Mọi thứ thay đổi nhiều theo thời gian. Tuy nhiên con đường chạy thẳng từ ký ức trong tôi vẫn như ngày nào.
8-2019
Nguyễn Tôn Kinh Tuyến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét