Mạ thuộc con cháu Tôn Thất, với bậc Công huyền. Nói là cháu chắt vua chúa nhưng cuộc đời Mạ hình như chẳng có mấy khi sung sướng. Nhà ngoại ở cạnh chợ Thừa Lưu. Năm Mạ lên 7 tuổi thì mẹ (mệ ngoại) mất. Ôn ngoại gửi Mạ cho con đầu là dì Định (Tôn Nữ Thị Cháu) nuôi. Mạ sống và đi học chung với các con của chị. Mạ không được học lên Tú tài mà phải nghỉ học sớm rồi học y tá (Ba nói là cán sự y tế?).
Ra trường, làm việc không được bao lâu thì Mạ lấy Ba, về Cầu Hai ở với nhà nội. Mệ Nội sinh sống bằng nghề bán thịt heo. Do các bác thường tranh thủ rút túi của mệ nội để vun vén cho gia đình riêng nên kinh tế nhà nội ngày càng khó khăn. Mạ cố gắng giữ cho mệ nội nhưng không xuể. Năm 1969, để trốn quân dịch, Ba đổi tên cả Ba lẫn Mạ rồi trốn lên Pleiku sinh sống. Của cải đem theo không được là bao lại phải nuôi 4 đứa con nhỏ, nên thời gian đầu Ba Mạ phải đi buôn ở xứ Thượng, đi sớm, về khuya trong thời buổi loạn lạc. Trời chập choạng tối mà chưa thấy ba mạ về là cả nhà đứng ngồi không yên vì sợ đạn lạc, bị bắt hoặc bị giết. Khi đã tích góp, có của ăn của để, Ba Mạ mua đất làm một căn nhà gỗ có gác, có xe hơi riêng. Cuộc sống dần sung túc hơn. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì thời điểm ly loạn đến. Ba Mạ bỏ hết cơ ngơi chạy vào Sài Gòn. Sau năm 1975, Ba Mạ đưa 7 đứa con về lại nhà nội sống. Cuộc sống thời bao cấp đầy khó khăn lại ở chung với nhà nội nên Ba Mạ quyết định vào Phan Rang, nơi có con ông bác đã định cư, để sinh sống.
Mạ luôn lo lắng, che chở cho con cái |
Bao nhiêu tiền của tích góp Ba Mạ mua được căn nhà ở khu cư xá dành cho người lao động. Ba Mạ phải đi làm ruộng thuê, bốc vác rồi buôn trái cây. Tình cảnh ngày càng khó khăn. Năm 1978, hai đứa em tôi mất cách nhau chỉ 1 tuần vì bệnh. Cả nhà dường như không có gì để ăn. Chòm xóm, xứ đạo đến chia buồn mới biết và giúp cho ít gạo và áo quần. Khi hai em mất chắc hẳn Mạ rất đau khổ và như muốn ngã quỵ, nhưng bên ngoài Mạ dường như không muốn để cho các con thấy sự suy sụp đó.
Thời kỳ bao cấp qua đi, tôi vào Đại học. Ba Mạ phải đắn đo rất nhiều vì gia đình không có tiền lo cho tôi ăn học. Rất may, thời bấy giờ tôi học chính quy nên không phải đóng tiền. Ba Mạ gửi tôi sống với các dì ở Sài Gòn. Thu nhập của Ba Mạ chỉ khoảng 300.000 đồng nhưng hàng tháng phải tích góp gửi cho tôi 100.000 đồng. Số tiền này so ra chẳng thấm vào đâu khi một bữa cơm sinh viên lúc đó là 3.000 đồng, nhưng với số tiền còn lại, Má phải lo cho cả nhà.
Từ khi tôi ra trường tới nay, kinh tế Quốc gia được cải thiện nhiều, cuộc sống Ba Mạ đã đỡ vất vã hơn, nhưng lương hưu của Mạ chỉ ở hệ số 1,3. Mạ không bao giờ muốn ăn ở nhà hàng. Anh em tôi đôi lúc dẫn Mạ đi ăn ở tiệm thì thế nào Mạ cũng chê vì tiếc tiền. Sau bao năm tích góp, năm 2012, Mạ đã để dành được một số tiền 400 trăm triệu đồng, một số tiền gần bằng 40 năm lương tối thiểu, với dự định sau này sẽ chia cho các con. Đùng một cái, người chủ hụi tự vẫn. Mạ mất trắng. Thế nhưng, Mạ không hề hé răng kể cho chúng tôi biết khoảng tiền Mạ bị mất. Chúng tôi chỉ biết thông tin này qua những người quen thân cùng hoàn cảnh mất tiền như Mạ.
Hôm nay, nhân ngày của Mẹ, tôi muốn nhìn lại quãng đường đã qua của Mạ, những chịu đựng hy sinh của Mạ cho gia đình, cho anh em chúng tôi. Chợt nghe lại kỹ hơn ca khúc Nhật ký của Mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tôi như cảm thấy thấm hơn những hy sinh thầm lặng của Mạ dành cho con cái.
Nguyện xin Thiên Chúa đổ tràn hồng ân cho Mạ, ban cho Mạ có sức khỏe để sống vui và hạnh phúc với con cháu.
Con thật hạnh phúc khi có Mạ luôn bên cạnh. Con biết Mạ thương các con nhiều nhưng sự thể hiện đó có những cung bậc khác nhau. Và con cảm nhận Mạ yêu con nhiều nhất vì có thể con là con Út, là đứa con ngày xưa bị suy dinh dưỡng nhất... Con ước mong Mạ luôn mạnh khỏe và sống lâu với con cháu.
Trả lờiXóa