Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

VIẾT VỀ BA CỦA TÔI: NGỌN LỬA KHÔNG HỀ TẮT

Có những người Thầy mà tôi luôn hằng quý trọng đã và đang giảng dạy tại các ngôi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Nhưng theo tôi, người Thầy mà mình kính trọng không nhất thiết là người phải đứng trên bục giảng. Có một người Thầy đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi, đã tạo cho tôi thêm niềm tin và giúp tôi tiếp bước theo con đường mà Thầy đã đi: Làm Giáo viên. Người Thầy ấy đã hơn 30 năm chưa hề đứng trên bục giảng. Đó là Thầy dạy Anh ngữ - Nguyễn Duy Tâm.

Theo trục đường 21 tháng 8 đến khu vực UBND Phường Phước Mỹ. Nếu hỏi đến Thầy Tâm “Huế” thì hầu hết mọi người đều biết về Thầy, vì gia đình Thầy là người gốc Huế và Thầy chính là một trong những người giáo viên đầu tiên tại vùng đất này.
Chiều nay tôi lại đến thăm Thầy. Trong cơn mưa phùn chiều cuối Hạ, Thầy vẫn quần áo chỉnh tề đứng chờ trước cổng để đón các em học sinh. Gặp tôi Thầy vẫn chào bằng những lời hóm hỉnh và đon đả mời tôi vào nhà.
Năm nay, dù đã ngoài 80 nhưng trông Thầy vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm. Mái tóc Thầy giờ đây gần như bạc trắng. Làn da cũng chừng in đậm những nét chân chim và điểm đầy đồi mồi. Ngày trước, tôi cũng chỉ là một người học trò bình thường của Thầy như hàng ngàn học trò khác đã học Thầy, nhưng vì quý mến Thầy cùng gia đình nên tôi vẫn thường ghé thăm khi có dịp.
Thầy tốt nghiệp khoa Anh-Pháp trường Đại học Văn khoa Huế.  Năm 1978 gia đình Thầy đến định cư tại ấp Mỹ Đức (Phước Mỹ ngày nay). Thầy cho biết, trước đây Thầy dạy trường Trung học Minh Đức, thành phố Pleiku. Tuy nhiên, đến những năm 80 của thế kỷ trước, môn ngoại ngữ không trở thành môn học chính khóa giảng dạy trong các trường học nên Thầy phải gác lại việc dạy ngoại ngữ để trở thành một nhân viên văn phòng bình thường. Công việc của Thầy từng ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi mua thực phẩm cung cấp cho đơn vị thầy đang công tác.
Cuộc sống với bao lo toan hàng ngày quá vất vả như thế, đã có rất nhiều gia đình phải cho con nghỉ học để làm thêm các công việc đồng áng phụ giúp gia đình, nhưng Thầy vẫn luôn truyền cho lớp trẻ ngọn lửa nhiệt huyết vươn lên trong cuộc sống: “Nước mình còn khó khăn, gia đình còn nghèo nhưng các con phải ráng học để sau này trở thành người hữu dụng. Đừng nản chí…!”. Quả thật! chính bản thân Thầy đã chứng minh được ngọn lửa yêu nghề đó. Cứ tưởng không còn được đứng trên bục giảng, cứ tưởng khi không nơi nào nhận vào dạy sẽ khiến Thầy buồn nản và quên đi công việc cao quý ngày nào. Nhưng với sự đam mê nghề “sách-vở”. Cứ đêm về, do có thêm năng khiếu về ngữ văn, thầy lại tập hợp nhóm trẻ láng giềng, cùng những người con của thầy để dạy từng câu văn, đọc từng vần thơ nhằm bổ sung thêm nền tảng kiến thức cho các em.
Những khi có điều kiện, Thầy lại tiếp tục nghiên cứu, ôn lại những kiến thức về Anh ngữ rồi chiêu sinh mở các lớp Anh ngữ cho mọi đối tượng. Chính nhờ lòng yêu nghề cháy bỏng đó. Một thời gian sau, giới giáo chức Anh ngữ kỳ cựu của Ninh Thuận biết đến Thầy như là một trong những người tạo nên phong trào học Anh ngữ thông qua các trung tâm giảng dạy. Về sau, vì sức khỏe nên Thầy chỉ mở các lớp ôn luyện tại gia. Cũng chính từ đó, tôi đã có cơ hội để học, biết và kính trọng Thầy…
***
Gần hai mươi năm trước, “lớp” học chỉ là căn phòng gỗ tạp được lợp tôn, cứ hễ mưa gió thì Thầy lại tất tả đứng lên che hứng những hạt mưa đang rơi khắp phòng học. Nhưng “lớp” học nay đã khang trang lắm rồi. Không gian lúc nào cũng thật ấm cúng và gần gũi. Trong căn phòng rộng chừng 20 mét vuông, thầy trò cùng quây quần quanh những chiếc bàn gỗ. Mỗi nhóm chỉ dạy từ 6 đến 8 em. Thầy dạy các lớp đủ mọi cấp độ, từ cấp tiểu học, trung học đến ôn luyện Đại học, du học và cho cả cán bộ, công chức trong tỉnh.
Buổi học bắt đầu với lời chào hóm hỉnh bằng tiếng Huế đặc sệt của Thầy: “Good afternoon! Răng rồi? Học thuộc bài cũ chưa?”. Học trò lại ồn ào hưởng ứng theo: “Răng thì có răng, nhưng tụi con thuộc rồi”…
Tôi lén nhìn Thầy và trò đang cắm cúi bên nhau, lúc thì tiếng cassette mở lên, học trò chăm chú lắng nghe, ghi ghi-chép chép, lúc lại hỏi đáp qua lại theo từng nội dung bài học.
Bài giảng của thầy cũng rất phong phú, không chỉ là những kiến thức về môn Anh ngữ mà thầy còn đưa học trò của mình “bay bổng” qua từng câu chuyện. Lúc thì về vùng đất Thần Kinh-Xứ Huế, khi lại về vùng sông nước Miền Tây hay tít tận phương trời Châu Âu, Châu Mỹ. Có khi là những câu chuyện mang đậm tính nhân văn trong thực tiễn cuộc sống. Cứ thế, những bài học Anh ngữ đan xen với những câu chuyện lúc thì sâu lắng, lúc thì vui nhộn khiến nhóm học trò thêm hứng thú.
Với sự dìu dắt tận tụy của thầy, những thành quả mà các em học sinh thu được cũng thật đáng khâm phục. Nhiều học trò trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi Anh văn cấp tỉnh, thành phố hoặc các cuộc thi “English and Me” do Nhà Thiếu nhi tổ chức hàng năm. Có nhiều học trò nay đã là những cô-cậu sinh viên khoa ngoại ngữ đất Sài thành, có người nay đang du học trời Tây, người thì đã là những nhà lãnh đạo …
Chiều nay, Thầy cho học sinh nghỉ sớm. Thầy ngồi trò chuyện rồi chợt khoe với tôi: “Cho con coi cái ni”. Thầy lấy ra một tập hồ sơ nặng trịch, mở ra cho tôi xem rất nhiều lá thư, tấm thiệp. Nhiều bức thư, tấm thiệp đã nhòe chữ vì quá lâu. Thầy hồ hởi: “Cái ni là của mấy em du học bên Mỹ gởi năm 1994, cái ni là của mấy em vừa vào lớp 10”…. Đây quả là những món quà thật quý giá mà thầy luôn lưu giữ và trân trọng. Thầy cho biết, cứ đến ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, dù đã lâu Thầy chưa bao giờ được dự một buổi lễ kỷ niệm dưới bất kỳ mái trường nào nhưng Thầy vẫn nhận vô vàn tình cảm, không chỉ của học sinh mà cả phụ huynh, các công chức-viên chức trong tỉnh mà Thầy đã từng dạy. Thầy lưu giữ các “kỷ vật” qua từng năm. Đến ngày 20 tháng 11 Thầy lại mang ra và trang trí khắp nhà. Tôi vẫn nhớ những lần đến thăm trước đây. Ngoài việc trang trí đầy hoa và thiệp chúc mừng, Thầy luôn chuẩn bị sẵn thật nhiều quà bánh. Rồi Thầy và trò cùng tâm sự, Thầy luôn vỗ về, khuyên răn chúng tôi thật nhiều như những đứa con bé bỏng ngày nào của Thầy.
Một cơn gió mạnh thổi rào làm tôi bừng tỉnh suy nghĩ. Chiều nay tin áp thấp có thể mạnh lên thành bão đang đỗ về vùng đất Phan Rang-Tháp Chàm. Cơn mưa nặng hạt bất chợt trút xuống, Thầy xin lỗi rồi tất tả đi đóng từng khung cửa, rồi đứng nhìn từng góc mái nhà. Thấy tôi ngạc nhiên khi căn nhà bây giờ đã khá khang trang, các khung cửa cũng đã thay mới thôi dập ầm ầm mỗi khi có gió. Thầy nhìn tôi cười hiền lành: “Quen rồi! Khi mô thấy mưa thì lại thấy lo. Sợ dột”.
Uống xong ly nước ấm, tôi xin phép Thầy ra về. Trời mưa khá nặng hạt nhưng Thầy vẫn tiễn tôi ra khỏi cổng. Nhìn mái tóc bạc sương, hình dáng Thầy như nhòa đi trong làn mưa, tôi cảm dâng lên trong lòng niềm cảm xúc khó tả. “Thầy ơi! Con thương thầy lắm. Con sẽ đến thăm Thầy nhiều hơn.”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét