Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Ký ức cuộc di tản 1975

Vào một ngày trung tuần tháng 3, Ba tôi nghe được nguồn tin quân Bắc Việt sẽ đánh vào Pleiku và theo lệnh của ai đó, quân đội VNCH sẽ rút quân khỏi Pleiku về Phú Bổn làm phòng tuyến chống Cộng. Ba nói với Má là chắc mọi chuyện cũng như Tết Mậu Thân thôi. Ba muốn nhân cơ hội này đưa cả nhà đi Sài Gòn chơi. Vậy là Ba Má chuẩn đi một cuộc hành trình du lịch, chỉ mang theo đồ gọn nhẹ, ít tiền vàng và sổ tiết kiệm Rồng Vàng của Ba Má.

Theo thường lệ, sáng Chúa nhật hàng tuần Ba sẽ chở cả nhà đi lễ tại nhà thờ Quân đội, sau đó đi ăn bánh ướt cuốn thịt heo và đi chơi biển Hồ. Nhưng sáng Chúa nhật ngày 16-3-1975, Ba chở mấy anh em tôi đi một vòng Pleiku, đến nhà một số người quen nghe ngóng tình hình. Thông tin thoái quân của quân đội VNCH gần như đã không còn gì bí mật. Nhà nào cũng tất bật chuẩn bị di tản. Ba tôi có vẻ như không nghĩ rằng sẽ rời bỏ Pleiku vĩnh viễn. Ba chở cả nhà ghé qua Nhà thờ Quân đội Pleiku gặp quý cha tại đây xem các ngài có di tản không. Trong số các linh mục, cha Tài là người quyết định ở lại. Trước khi chia tay với Ba tôi, cha Tài có nói đại ý rằng lần này Cộng sản sẽ chiến thắng và khuyên Ba tôi hãy chuẩn bị tinh thần để sống chung với Cộng sản. Cha có đưa một cuốn sách viết về Cộng sản để Ba tôi đọc. Cuốn sách này Ba tôi cất vào xe nhưng chẳng bao giờ có cơ hội đọc nó.

Ba tôi không đọc sách vì suốt thời gian mấy ngày sau đó phải liên tục lo chuyện di tản cho đến khi bỏ xe và cuốn sách lại tại Sông Ba. Ngoài lý do này, có lẽ Ba tôi không tin lời cha Tài là sự thật. Sau này, thấy mọi việc đúng như lời cha nói thì nhiều người nghĩ chắc cha có quan hệ gì đó với "Việt Cộng" nên mới biết rõ tình hình. Mặc khác, lúc bấy giờ có lẽ Ba tôi cũng không lo sợ gì Cộng sản. Đôi khi tôi còn có cảm giác Ba tôi thích Cộng sản nữa là khác. Lúc ở Pleiku, tôi là người thường ngủ với Ba. Hàng đêm, bên ngoài thì dân quân tự vệ rầm rập đi tuần, còn trong nhà Ba lại mở đài Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) để nghe tin tức. Ba vặn nhỏ vừa đủ nghe vì sợ bị phát hiện sẽ bị bắt với tội thân Cộng hoặc bị nghi ngờ là Cộng sản. Khi nói về chế độ, Ba thường chửi chế độ VNCH và khen chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Do đó, cuốn sách cha Tài đưa được nằm yên trong cốp xe và không bao giờ được đọc.

Nghe nhiều người khuyên, Ba chở cả nhà ra phi trường để lên máy bay vô Sài Gòn cho nhanh. Ngoài phi trường, đám đông người xe vây kím lối vào. Tất cả người, xe bị chặn lại. Một số người cố trèo qua hàng rào để vào. Các máy bay trực thăng không dám đáp xuống mà chỉ bay là là trên phi đạo rồi kéo người lên, chủ yếu là gia đình sĩ quan. Nhắm tình hình không ổn Ba quay xe lại và quyết định đưa cả nhà đi bằng xe hơi.

Quân Ðội chính thức bắt đầu triệt thoái khỏi Pleiku. Hầu hết người dân thành phố Pleiku cũng nườm nượp chạy theo. Đa số công chức sử dụng xe riêng để chở gia đình; số còn lại tranh thủ xin đi nhờ các xe tải, xe khách, xe cần cẩu... Tất cả các loại xe, xe nào chạy được đều chất đầy người và hàng. Những người nào không có xe lớn thì đi honda hoặc cả nhà dắt díu nhau, gồng gánh đi bộ. Đoàn xe dài hàng cây số nối đuôi nhau, xe quân sự, cảnh sát và của dân thường xen lẫn vào nhau, rầm rập chuyển bánh rời khỏi thành phố. Ba tôi chở Má và 5 anh em tôi trên chiếc Peugeot 203 cũng hòa vào dòng xe. Má ngồi trước với em Tài. Má đang mang thai tháng thứ 5 hay 6 gì đó. Mấy anh em còn lại ngồi sau. Cậu tôi nhờ Ba chở thêm con của cậu là chị Lành đi cùng. Hàng vạn người đua nhau trốn chạy. Thành phố Pleiku trở nên huyên náo và bát nháo chưa từng có.

Đoàn xe nối đuôi nhau trước bùng binh rạp Diệp Kính, chuẩn bị rời bỏ Pleiku

Qua khỏi rạp Diệp Kính, dòng xe cộ càng đông đúc

Ra khỏi thành phố, đoàn người, xe trở nên hỗn độn và không còn trật tự nữa. Mạnh xe nào xe nấy chạy. Mấy chiếc GMC chở lính cũng tranh thủ chạy trước không hiểu là dành đường hay mở đường. Nhiều gia đình chạy bộ hớt hơ hớt hãi dọc hai bên đường. Đổ đạc đây đó đổ ngổn ngang. Một cô mang bầu, có lẽ tháng cuối, ngồi phệt giữa đường vì đi không nổi vẻ mặt như đang cần sự tương trợ nhưng không thấy chồng hay ai giúp đỡ. Mọi người, mạnh ai nấy chạy như để thoát thân.

Đức cha Séc (Paul Seitz Kim) - Giám Mục Giáo Phận Kon Tum, tự lái chiếc ladalat hòa trong dòng người di tản
Ánh nắng ban mai của vùng cao nguyên giờ không còn ấm áp mà như thiêu đốt đoàn người di tản. Hàng ngàn chiếc xe đủ loại trật tự, nối đuôi nhau theo Liên-Tỉnh-Lộ 7 nhích dần về Phú Bổn. Một số xe và người bị rơi rớt lại. Dọc hai bên đường là những đoàn người đi bộ thất tha thất thểu, vẻ mặt mệt mỏi và thất thần dù chỉ mới sau một đêm trốn chạy. Càng về trưa, ánh nắng càng gây gắt. Con đường nhựa như muốn chảy ra, óng ánh dưới nắng vàng. Những lúc xe dừng lại chờ dẹp đường, bọn trẻ chúng tôi cũng không dám đứng xuống vì sợ phỏng chân (lên xe rồi tôi thường tháo bỏ giầy dép để dễ ngồi vào lòng anh chị). Đoàn người đi bộ bị bỏ lại không còn nhìn thấy. Đi xe mà còn oải thì không biết tình cảnh họ sẽ thảm thương như thế nào.

Chiếc Peugeot 203 cắm cờ Hồng Thập Tự của Ba tôi trong dòng xe trên đường chạy về Phú Bổn
Chiều tối, đoàn xe di tản chúng tôi đã tới được Phú Bổn. Người dân ở đây cũng đang di tản. Chúng tôi ghé vào nhà thờ để nghỉ ngơi. Chưa kịp tắm rửa, tiếng pháo rầm rầm vang lên, rớt vào quanh nhà thờ. Cha sở Phú Bổn dẫn chúng tôi chạy vội xuống hầm tránh đạn. Lúc sau, nghe chừng bên ngoài đã yến ắng, Ba Má  cho chúng tôi ra ngoài tắm và nấu cơm cho chúng tôi ăn.

Cả nhà nghỉ chân tại nhà thờ Phú Bồn

Sau đợt pháo kích, cả nhà ăn cơm lấy sức chuẩn bị lên đường. Cái xoong cơm này được phân cho anh bang đeo khi qua sông Ba

Đêm đến, tiếng súng đạn nổ rền đâu đó, sáng một góc trời. Đoàn người, xe chúng tôi vội vã lên đường chạy thoát khỏi Phú Bổn. Nghe đường chính đã bị đánh chặn, đoàn xe phải băng rừng để chạy. Xe quân đội dẫn đường đi trước. Mọi người tranh thủ chạy đêm. Cả nhà 8 người bị nhồi trong chiếc xe 5 chỗ suốt đêm. Bọn con nít chúng tôi còn chợp mắt được đôi chút nhưng chắc Ba Má thì thức trắng. Nghe đâu các quân đoàn lính VNCH bắt đầu dành đường. Một toán thì muốn bảo vệ cho dân chạy nạn, toán khác lại tranh đường tháo chạy, không ai nghe ai, thậm chí có lúc phe ta bắn phe mình. Những xe nào thân quen với lính mới dám đi trước còn đa phần thì chờ những người lính VNCH có lương tâm bảo vệ. Sau lưng, trận chiến giữa hai phe vẫn tiếp diễn. Người dân di tản chúng tôi lọt giữa hai chiến tuyến: bị coi là kỳ đà cản mũi với đám lính nhát đảm, vô lương tâm và bị coi là quân địch đối với quân Bắc Việt. Đoạn đường máu do công binh vừa mở nên khá xấu. Nhiều xe phải dừng hoạc bỏ lại. Xe chúng tôi cũng gặp sự cố vì gầm thấp mà chở người thì nhiều và đoạn đường quá gập gềnh. Sau một hồi đắn đo, Ba Má chia chúng tôi làm hai. Má ẵm Tài dẫn theo chị Tuyến, tôi và em Doanh qua đi nhờ một chiếc Land Rover. Còn Ba chở anh Bang, anh Kha chạy sau. Chạy một lúc sau, gặp phải đoạn dốc cao, nhiều xe không đổ dốc được đành bỏ lại đi bộ. Một số xe cố gắng xổ dốc bị trật sang bên đường nằm chổng vó hoặc móp méo.  Má và chị em chúng tôi qua khỏi dốc trước nên đứng chờ dưới dốc, nhìn lên chỉ thấy đèn xe chói lòa rồi lao ầm xuống, chẳng biết xe nào của mình. Má lo lắng dẫn chúng tôi đi tìm Ba. Vừa đi, vừa khóc, vừa hỏi nhưng vẫn tìm không thấy. Không biết xe Ba bị rớt lại hay đã bị trúng pháo. Tờ mờ sáng thì Ba bỗng nhiên xuất hiện ở sau lưng và gọi cả nhà lên xe chuẩn bị đi tiếp.

Ngày thứ ba, đoàn xe giờ lại đông nghịt, có lẽ từ các nơi đổ về. Đường bây giờ toàn là đường đất. Các loại xe dàn hàng ngang chạy, không biết cơ mang nào là xe. Xe chúng tôi bị chảy nhớt. Không biết do cú lao dốc ngoạn mục hay vì gầm xe thấp lại phải chạy đường gập gềnh nên đụng phải gầm xe. Tranh thủ lúc dừng, Ba lấy xà phòng cục chui xuống gầm trét trét gì đó. Đoàn xe nhích lên từng đoạn một lại dừng. Xe nào tranh đường được thì cứ vọt lên. Con đường mù mịt bụi là bụi. Thỉnh thoảng tiếng súng nổ xen lẫn với tiếng gầm rú của hàng hà các loại xe. Ba tôi cứ chạy bám mé đường bên phải, không giành đường và chậm rãi chạy.

Mấy anh em, mỗi người đều được Má tôi chuẩn bị cho mấy lớp gạc bịt mũi chống bụi

Trời nóng quá nên chị Tuyến cởi trần
Dòng xe dường như ngày một đông. Trong khi ai cũng muốn làm sao chạy nhanh về được Nha Trang càng tốt thì không hiểu vì sao đoàn xe đi không được, cứ nhích từng tí một. Nghe ba nói là chờ đoàn Thiết giáp mở đường. Do sốt ruột và một phần hoảng loạn, một toán lính VNCH nổ súng giành đường. Số đơn vị quân đội VNCH còn chỉ huy làm nhiệm vụ dẹp đường và bảo vệ cho dân di tản ngăn cản. Vậy là xảy ra nổ súng. Đạn bắn đi nghe chéo chéo hai bên sườn xe. Ba tôi sợ hãi, cuống cuồng kéo tôi và em Doanh chạy ào xuống đường hào bên vệ đường. Đạn bay vượt qua đầu Ba con tôi. Má thấy vậy la lớn, gọi Ba dẫn chúng tôi chạy vào xe.  Má bảo là chạy xuống hào sẽ dễ bị trúng đạn hơn vì hai bên trống trãi; còn nếu ở trên xe thì có các xe phía trước chắn đạn bớt. Cả ngày hôm đó có hai, ba đợt bắn nhau như vậy. Mỗi khi yên ắng tiếng súng, Ba Má cho chúng tôi xuống đường để cho thoáng và nghỉ ngơi. Ba Má đem theo khá nhiều đồ hộp trên xe nên chúng tôi không phải nhịn đói. Chỉ cái khó là không nấu cơm được, muốn ăn cơm phải dùng gạo rang sẵn chế nước vào. Đoàn người và xe nhích đi rất chậm. Lúc đầu là di chuyển trên đường, giờ đã không còn đường mà cơ mang nào là xe. Ba cho biết là đoàn xe đã bị Sông Ba chắn ngang, không có cầu để đi qua. Vậy là phải dừng lại để tìm đường đi tiếp. Một số xe tìm đường chạy ngược lên thượng nguồn hoặc về hạ nguồn tìm chỗ cạn vượt sông. Một số người đi bộ cũng tìm nơi cạn vượt qua. Dù không phải là mùa nước về nhưng dòng chảy khá mạnh nên số người vượt sông được không nhiều. Trong khi Má lo coi sóc anh em chúng tôi thì Ba tranh thủ nghe ngóng tin và lấy máy ảnh ra chụp. Ba nói là khi vào Sài Gòn, Ba sẽ viết bài đăng báo. Những tấm hình Ba chụp sẽ giúp cho bài báo thêm giá trị. Thỉnh thoảng nghe nói lính bắn nhau giành đường. Đạn lại bay vèo vèo. Anh em tôi lật đật chạy trốn vào xe, còn Má vừa ẵm cu Tài, vừa la, kéo chân Ba xuống.

Mỗi khi xe dừng lạu, chúng tôi lại ra bãi cạnh dường để ăn uống, vệ sinh

Ba thường chụp hình cả nhà để giết thời gian

Xe dừng cũng là lúc thay gạc che miệng

Các chú trong hội Hồng Thập Tự Pleiku đến xe chúng tôi chơi
Anh em tôi còn nhỏ nên Ba Má không cho đi đâu, sợ thất lạc. Chúng tôi chỉ quanh quẩn, lúc vào xe ngồi, lúc thì ra bãi đất, thỉnh thoảng leo lên mui xe để hy vọng xem thử xe cộ và tình hình. Tôi cảm thấy lạ và tò mò quanh sát, hỏi han về những chuyện chung quanh. Đầu óc non nớt của một đứa trẻ 6 tuổi như tôi chỉ quan sát và vô tư, vui vẻ, chẳng hiểu sự gian nan, khổ ải hay hiểm nguy như người lớn. Rảnh ra, Ba dẫn cả nhà chụp hình để giết thời gian. Ba chỉ cho anh Bang cách chụp, cách lấy nét, lấy khung. Anh Bang học khá nhanh. Vậy là Ba có thể hiện diện trong các tấm hình gia đình rồi.

Không biết Ba liên lạc cách nào mà giữa rừng người ấy lại tìm được mấy chú trong Hội Hồng Thập Tự Pleiku. Thỉnh thoảng mấy chú lại ghé xe chơi, nói chuyện rôm rả cho đỡ lo lắng.

Hôm sau Ba kể chuyện cho biết một đoàn lính đi cắt rừng tìm đường khác để vượt sông. Còn lại thì Công binh đang làm cầu tạm để dân qua Sông Ba. Xe chúng tôi khá xa bờ sông nên chỉ nghe tiếng trực thăng hoặc thỉnh thoảng thấy trực thăng cẩu mấy tấm ri sắt đến cho Công binh làm cầu nổi. Ai nấy cũng hy họng mai sẽ bắc xong cầu.

Anh Bang lại tổ tài 

Cả nhà chụp hình chung với mấy chú trong hội Hồng Thập Tự Pleiku sang chơi
Thế nhưng hôm sau, dòng xe cũng chưa dịch chuyển được. Tin tức Ba đem về là một số xe quân sự nhẹ đã qua được nhưng nước Sông Ba chảy xiết quá, mấy tấm ri sắt trực thăng đưa tới đã bị cuốn trôi. Lực lượng Công binh đang cố gắng khắc phục để làm cầu nổi. Tin tức chưa làm được cầu khiến cho mọi người lo lắng. Mọi người truyền tai nhau có đánh nhau lớn và quân Bắc Việt đã chiếm được Phú Bổn. Phần thì sợ quân Bắc Việt đánh tới, phần thì lương thực mang theo không đủ. Tình hình đột nhiên trở xấu. Một số lính tráng phía sau lại giành đường chạy lên, một số cảnh sát cố gắng đứng ra vãn hồi trật tự. Tiếng súng lại vang lên không biết từ hướng nào. Trưa hôm đó, một chú cảnh sát đang cố gắng làm nhiệm vụ ở trước khá gần xe chúng tôi bị trúng đạn và giẫy chết. Má tôi giữ chúng tôi trong xe và bắt cúi mặt xuống để không chứng kiến cảnh kinh hoàng đó. Trong thâm tâm tôi sau này nghĩ lại cảm thấy chú ấy đúng là một anh hùng, tận tụy vì nhiệm vụ, vì xã hội, vì đất nước. Đó là một tấm gương đáng để nhiều người phải suy ngẫm. Trong khi lính tráng giành đường, trong cảnh hỗn loạn mà có thể lệnh cấp trên, lệnh chỉ huy không còn hiệu lực nhưng chú vẫn đứng ra thực hiện trách nhiệm của mình. Chắc chắn gia đình không muốn chú làm điều nguy hiểm đó, nhưng chú vẫn quên mình, hy sinh vì nhiệm vụ.

Sau vụ việc đó. Các chú trong Hội Hồng Thập Tự tìm cách liên lạc để thoát đi bằng đường khác. Một số chú được trực thăng bốc đi về Tuy Hòa. Các chú nói Ba cũng nên bỏ xe lại để đi bằng trực thăng. Các chú rỉ tai cho biết trực thăng bốc các chú ấy đi hạ xuống chỗ bí mật, ít người. Ba dẫn tôi theo các chú đến bãi đáp trực thăng, rồi từ chối đi. Trực thăng không đậu xuống mà bay rà rà để kéo người lên vì sợ dân chúng và lính leo lên ào ạt. Ba tôi nói như vậy là không bốc được cả gia đình nên quyết định ở lại chờ làm xong cầu.

Bãi xe ngổn ngang bên bờ sông Ba

Đoàn người xe Tây Nguyên di tản đang bên bờ sông Ba

Chẳng nhớ chúng tôi bị kẹt bên bờ sông bao lâu. Mấy hôm sau, một chiếc trực thăng UH1 xuất hiện trên bầu trời thông báo sẽ thả bánh mì và sữa cứu đói cho dân. Nghe đâu những người được trực thăng bốc về Tuy Hòa đã cho biết cảnh thống khổ của người dân di tản bên bờ Sông Ba nên người dân trong Nam đã tự quyên góp nhờ lính bay trực thăng ra thả thực phẩm và nước để tiếp tế cho dân. Trong số những người đi theo trực thăng đó, có linh mục Trần Minh Cương cũng tham gia. Về sau, khi chúng tôi định cư tại Phan Rang, cha con gặp nhau, kể chuyện cũ mới biết. Nhiều người mừng rỡ chạy bám theo bóng trực thăng để lượm bánh mì.

Cha Cương và anh Bang năm 1980
Ba Má tôi có đem theo khá nhiều gạo vào đồ hộp trong cốp xe nên chúng tôi có thể yên tâm không đói. Anh em chúng tôi được lệnh phải ngồi trên xe để tránh bị người lớn dẫm đạp. Cứ một ngày, trực thăng lại thả vài bận như vậy. Ba tôi tranh thủ chạy ra chụp cảnh máy bay trực thăng bay lòng vòng để thả thực phẩm. Khi máy bay vòng ra chỗ khác thì anh em chúng tôi được ra khỏi xe cho đỡ ngộp. Mỗi lần có thông báo thả sữa, chúng tôi lại chui xuống gầm xe tải để tránh. Chỉ có Ba là chạy tới chạy lui để chụp hình.

Ba thường đi loanh quanh dò la tin tức. Má đang mang thai bé út, vừa phải thường xuyên ẵm cu Tài vừa lo giữ anh em chúng tôi nên khá vất vả. Một lần, Má không để ý nên anh Bang và anh Kha ham vui chạy đi lượm bánh mì. Lúc đó, trực thăng thả bánh mì rất gần chỗ xe chúng tôi. Tôi cũng háo hức đứng dậy xin má chạy đi lượm bánh mì, rồi không chờ Má đồng ý đã chạy thục mạng đến ổ bánh mì gần trước mặt. Vừa ngã chồm người vớt được ổ bánh mì thì một chú bóp lấy chặt tay tôi và giành lấy mất. Tôi hậm hực quay về chỗ má thì thấy Ba đang hốt hoảng loay hoay quanh Má. Hỏi ra thì Má bị đạn lạc rơi giữa ngực. Cũng may Má chỉ chỉ phỏng do sức nóng của đầu đạn. Trong mấy ngày ở bờ sông, tiếng máy bay, tiếng súng đạn trở nên khá quen thuộc đối với chúng tôi. Thỉnh thoảng lại nghe có đánh nhau vì giành giựt đồ ăn, rồi tiếng khọc than của con nít, người lớn vì thất lạc, vì trúng đạn chẳng biết của bên nào. May mắn là gia đình tôi hình như chỉ có Má và chị Tuyến bị trúng đạn lạc. Má bị vào ngực còn chỉ Tuyến trúng chân.

Một chiếc UH-1 đang thả bánh mì cứu đói cho dân


Cả nhà trốn dưới gầm xe tải để tránh sữa rơi trúng

Ba bốn ngày sau, sau nhiều nổ lực của quân đội, chiếc cầu nổi vượt qua Sông Ba cũng được bắc xong. Ai nấy nghe tin cũng mừng rỡ, chuẩn bị khăn gói lên đường hầu thoát khỏi vùng chiến sự. Trong khi hoảng loạn, lại xảy ra cảnh bắn nhau tranh đường. Đoàn xe gần cầu vội vã nối nhau vượt qua cầu phao. Chiếc cầu lún xuống dưới vì quá tải lại gặp dòng nước chảy siết. Không chịu nổi sức nặng của đoàn xe nên nó lật úp làm toàn bộ người xe rơi xuống sông. Quân đội phải vội vã điều phối người qua cầu và không cho xe hơi vượt qua. Một số xe vẫn liều mạng chạy xuống cũng tiếp tục bị lật nhào. Khung cảnh càng hỗn loạn, bát nháo. Tiếng súng lại vang lên khi một số lính tranh đường trốn chạy nhưng bị cản lại. Nghe Ba nói cấp chỉ huy và cảnh sát muốn để cho dân chạy qua trước, còn quân đội sẽ chặn hậu. Cuộc đấu súng xảy ra khá gần nơi chúng tôi đứng làm cho Ba Má tôi hốt hoảng kéo các con vào xe đóng cửa lại. Loạt đạn hướng vào chiếc xe vị sĩ quan chỉ uy cảnh sát và giết hại vợ chồng họ. Ba Má tôi quyết định để cả nhà từ từ đi sau. Ba Má tôi thu dọn đồ để bỏ xe lại. Ba Má và anh Bang chia nhau xách đồ. Má không xách được bao nhiêu vì đang mang thai và phải ẵm Tài. Một lúc sau, các con của vị sĩ quan kia được một toàn lính hộ tống đi ngang qua xe chúng tôi. Các anh chị ấy khóc sụt sùi nhưng cũng phải để xác cha mẹ lại.

Khi đoàn người chạy nạn qua sông hơn một nửa. Ba Má tôi mới quyết định bỏ xe, đưa cả nhà qua sông. Vừa đi, chúng tôi vừa xem các xe bỏ dọc đường để coi có thức ăn nào còn lại có thể lấy đem theo được không. Các xe đậu ngổn ngang, đồ đạc rơi vãi khắp dưới chân chúng tôi. Chúng tôi đi ngang qua một xe bán tải chứa đầy bột ngọt và sing gum. Kẹo sing gum thời đó thường được bọc bằng bao giấy có hình có thể cà in lên giấy. Tôi rất thích loại kẹo này. Ba Má cho chúng tôi lấy kẹo sing gum đem theo. Vậy là mấy anh em chúng tôi tranh thủ lấy, ai nhét được bao nhiêu thì nhét. Có thể nói, nhờ mớ kẹo sing gum đó mà sau này giúp anh em tôi có sức, vui vẻ vượt qua đoạn đường dài đầy gian khỏ và nguy hiểm trước khi về được Sài Gòn.

'Trang bị' thêm sing gum xong, các xe khác cũng không tìm lấy thêm được gì, cả nhà tôi bắt đầu xuống cầu phao. Lúc này, số người còn lại không còn nhiều nên không còn chen lấn hỗn loạn như trước. Ba ẵm em Doanh dẫn đầu. Tôi cầm ngang thắt lưng của Ba. Tiếp đó là anh Bang với nồi cơm lớn được đeo thòng bên hông và có nhiệm vụ kèm tôi. Anh Kha và chị Tuyến đi ngay sau anh Bang và Má ẵm Tài đi sau cùng. Nước sông Ba trong vắt, chảy cuồn cuộn dưới chân tôi. Nước ngập đến nửa cẳng chân do số người đi trên cầu quá đông. Tôi tranh thủ ghé mắt nhìn xuống lòng sông thì thấy một chiếc xe cần cẩu vàng to tướng nằm chìm một bên cầu. Tôi chỉ chỏ cho mấy anh chị mình thấy thì bị hụt chân khỏi tấm ri sắt của cầu phao. Anh Bang chụp được kéo vào. Vậy là Ba không cho chúng tôi đi mé ngoài mà cố gắng lấn vào hàng ri giữa mà đi. Đến giữa sông, cầu chìm sâu hơn. Tôi cảm thấy sợ và đu vào thắt lưng của Ba. Cái xoong anh Bang đeo trên cổ bị nước chạy xiết làm cho như bị cuốn theo nhưng anh vẫn cố giữ gượng lại. Một lúc sau Má thấy nguy hiểm nên nói anh Bang tháo bỏ cái xoong. Những đứa trẻ như tôi được người lớn cõng hoặc bồng nếu không dễ bị trôi như chơi. Tôi nhìn giữa dòng sông thấy một số lính tráng đang cầm súng cố bơi qua sông. Phi cơ quần đảo trên bầu trời, Tiếng súng và đại bác vẫn vọng lên lúc gần, lúc xa. Tôi chẳng phân biệt được phe nào đánh phe nào và cũng chẳng nhận thức được mối nguy hiểm nên cũng không biết sợ hãi, chỉ biết thực hiện một nhiệm vụ là bám sát theo Ba. Sang gần đến bờ bên kia, cầu càng chìm sâu xuống dòng nước giá lạnh. Cái khăn cột xoong cơm giờ được căng ra, một đầu trên vai Ba, một đầu trên vai anh Bang để tôi đu lên. Nước ngập sâu đến tận cổ của chị Tuyến, lúc này là cô bé 8 tuổi. Má nhanh trí gửi chị Tuyến lên bình xăng của một chú đang ngồi xe Honda 67. Sau một hồi chật vật, cuối cùng, cả nhà tôi đã an toàn lên bờ. Ba Má điểm danh và kiểm tra, sắp xếp lại đồ đạc. Một ông cụ bị rơi bên cạnh cầu cứ đòi chết ở đó luôn cho mát dù con cái đang cố kéo lên. Bên này bờ, một số xác người chết và xác bò nằm rải rác, không rõ do ai bắn nhưng nhìn thật đáng sợ. Kiểm tra xong, Ba Má vội dục chúng tôi đi theo đoàn người phía trước. Lúc này, không còn cảnh đông đúc, bát nháo như khi còn ở bờ bên kia, mạnh ai nấy chạy. Đoàn xe quân đội và những xe nào qua cầu được đã chạy đi từ lúc nào. Những nhà không có xe hơi mà chỉ đi hon-da giờ lại lợi thế hơn và chạy trước. Những nhà bỏ lại xe hơi như chúng tôi giờ cũng hòa mình trong dòng người cuốc bộ. Đi một đoạn thì nghe tiếng nổ ầm ầm sau lưng rồi tiếng súng đủ loại vang lên làm mọi người hoảng loạn vì sợ quân Bắc Viêt đánh tới. Ba tôi quay lại quan sát một hồi rồi quay về cho cả nhà biết phi cơ thả bom và đốt xe bên kia sông.

Gia đình tôi là một trong những gia đình qua sông sau cùng

Cả nhà vội vã nối gót những tốp đi trước. Do chúng tôi còn nhỏ và đông nên di chuyển chậm và để nhiều nhóm người vượt qua mặt. Má sợ chúng tôi mệt nên thường nhắc lấy sing-gum ra nhai. Ba Má lo lắng vì giờ cả nhà phải đi bộ, đoàn xe quân sự đã chạy trước đâu từ hồi nào, giờ chỉ còn dân là dân không ai bảo vệ. Chúng tôi ra sức đi cho nhanh để kịp đoàn đi trước. Xế trưa, nhìn từ xa thấy một đám đông người dừng lại, loáng thoáng thấy mấy người cầm súng, đồng phục quân đội, đội mũ rộng vành. Ba Má vui mừng nói chắc là đuổi kịp đoàn xe quân đội rồi, có thể yên tâm vì được bảo vệ.

Niềm vui phút chốc chợt tan biến. Khi đến gần, chúng tôi biết đó là quân Bắc Việt. Họ phân đoàn người ra, chỉ có phụ nữ và con nít được đi tiếp, còn đàn ông thanh niên bị bắt ở lại, xếp hàng dài khai báo tên tuổi và gì gì đó. Không ai biết để làm gì. Chỉ thấy họ lăm lăm tay súng khiến chúng tôi rất sợ. Có người nói mấy người lính Bắc Việt xét hỏi vì sợ lính Nam Việt đi lẫn trong dân. Nhưng Ba tôi xuất trình giấy tờ mình chỉ là dân thường làm ở Hội Hồng Thập Tự vẫn bị họ bắt giữ. Họ bảo Má dẫn chúng tôi đi đi, nhưng Má nhất quyết ở lại với Ba. Những người phụ nữ quyết định như Má tôi khá nhiều nên bãi đất rộng chứa hàng ngàn người ngồi dang nắng hoặc ngồi lần trong đán cỏ khô cho dịu bớt.

Đến chập tối, số người bị giữ lại càng đông. Lợi dụng trời tối, nhó người kia lơ là kiểm soát, Má nhờ anh Linh là cháu của Má, cũng bị bắt giữ cùng với Ba, cõng tôi chạy trốn. Cả nhà tôi cũng lần lượt chạy trốn vào rừng.

Chúng tôi băng rừng chạy suốt đêm cho tới sáng, không dám đi theo đượng cái mà men theo sông. Đoàn người di tản chúng tôi tiếp tục chịu nắng, chịu đói và chịu khát. Dáng vẻ ai cũng thất tha thất thểu, đầu tóc bù xù. Lúc này, kẹo sing-gum như thuốc bổ giúp chúng tôi tiếp tục hành trình. Tôi lại tỏ ra hăng hái, khoái chí khi được đi bộ nên vừa đi vừa nhai sing-gum, cùng mấy anh chị cười hát vui vẻ.

Chúng tôi đi lần theo dọc Sông Ba, hướng về Tuy Hòa. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng đạn pháo, lúc thì phía trước, lúc thì phía sau, không biết đâu mà lần. Trời lại đổ mưa. Ba Má dắt chúng tôi chạy đến một cái láng dọc đường để chúng tôi khỏi bị cảm lạnh. Nhiều đoàn người khác lo sợ 'giặc' đến nên cứ mải miết vừa đi, vừa chạy. Mưa tạnh, mọi người đi cố một lúc thì trời đã chập choạng tối. Chúng tôi nghỉ đêm bên vệ đường. Bọn trẻ chúng tôi ăn xong là ngủ vùi vì mệt. Nhưng chắc những người lớn như Ba Má tôi phải thức suốt đêm để trông chửng tình hình và đuổi muỗi cho chúng tôi. Vừa hừng sáng, chúng tôi lại tranh thủ lên đường. Đoàn người dịch chuyển đã khá thưa thớt, di chuyển theo từng gia đình hay nhóm. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp xác người nằm dọc đường. Trong vô vàn xác người đó có hai cảnh ám ảnh tôi nhất. Một là có một chú chết cạnh một chiếc Honda 67 chân bị cắt cụt vì đạn pháo. Tôi hỏi Ba có phải chú đã chở chị Tuyến không, ba lắc đầu tỏ vẻ không biết và kéo chúng tôi đi nhanh hơn. Cảnh thứ hai là cả một gia đình năm, sáu người nằm chết rải giữa đường. Có người bị con gì ăn mất mắt, nhìn rất ghê sợ. Ba Má nói hình như là gia đình hôm qua đi cùng gia đình mình, sau đó không dừng lại trú mưa mà đi tiếp. Má nói may mà chúng tôi không đi tiếp với họ và nhẫm đọc kinh cảm tạ Thiên Chúa. Đúng là chiến tranh, không biết đi nhanh sẽ thoát hay đi chậm sẽ chết hay không.

Chúng tôi lại bắt kịp đoàn người đi trước. Ai nấy đều mệt mỏi vì đã đi một đoạn đường dài, vừa đói, vừa khát nước. Dù đang đi dọc theo bờ sông nhưng thỉnh thoảng xác người lại lềnh bềnh trôi nên không mấy ai dám uống nước sông. Đến giữa trưa, đoàn người dừng lại ở một vườn đào lộn hột. Ai có gì ăn nấy. Không có gì ăn thì ăn đào. Có mấy người đốt lửa nướng hột đào để ăn. Ba đi đó một lúc sau quay về đưa cho chúng tôi một chai serum đường để uống. Ngụm nước vừa ngon, vừa ngọt có được trong cơn khát làm chúng tôi háo hức uống ừng ực nhưng Ba Má chỉ cho tôi uống vài ngụm để nhường nhau vì cả nhà chỉ được một chai. Sau khi nghỉ ngơi lại sức, đoàn người lại lục đục lên đường. Ai cũng muốn nhanh chóng về đến được Tuy Hòa.

Vừa đói vừa khát dưới nắng gắt
Anh em chúng tôi lại lấy sing gum ra, vừa đi vừa hát. Cứ thế mà đi. Ơn Chúa đã ban sức mạnh cho gia đình chúng tôi, mấy anh chị em hầu như ai cũng hăng hái bước dài. Ai gặp gia đình chúng tôi cũng cảm giác vui lây vì sự vô tư, vui vẻ mấy đứa nhỏ chúng tôi. Có người vui vẻ bắt chuyện và khen chúng tôi làm tôi càng hăng hái. Ba Má khoe rằng tôi đi rất giỏi, 24 trên 24. Tôi không hiểu là gì nên hỏi Ba nhưng Ba trả lời xong tôi cũng chẳng hiểu mấy. Nhưng Ba Má và mọi người khen là thích rồi. Chỉ có em gái tôi và Má là mệt mỏi. Em Doanh nhỏ phải đi nhiều, ăn uống thất thường, lại ít nói nên Ba thỉnh thoảng phải ẵm đi. Má đang mang thai lại phải liên tục ẵm em trai 2 tuổi. Tài không chịu ai khác ẵm nên Má lúc nào cũng phải cặp bên hông. Ba và cách anh chị chia nhau xách đồ đạc còn lại. Tôi chỉ có nhiệm vụ ôm hộp sing gum và đi. Gặp những gia đình có con nhỏ như chúng tôi, Bá Má nhắc tôi chia sẻ một ít sing gum cho con họ.

Đêm đó, chúng tôi lại ngủ dọc đường, bụng đói và khát nhưng cơn mệt đã nhanh chóng giúp chúng tôi ngủ. Nửa đêm, đoàn người đi đến một nhánh sông, chúng tôi dừng lại đốt lửa sưởi ấm. Ba tranh thủ lấy nước sông, nấu nước cho chúng tôi uống và pha sữa cho em Tài. Đến sáng, chúng tôi lại thấy hai cái xác nằm sấp, hoàn toàn trần truồng, nổi lềnh bềnh trên sông khiến ai nấy phát hoảng và nhớ lại lúc tối đã uống nước từ đoạn sông đó.

Đường tới Tuy Hòa không còn xa, đoàn người chúng tôi tiếp tục đi dọc theo sông Đà Rằng...

Về đến Tuy Hòa, người thành phố này cũng đã di tản khá nhiều. Dọc đường phố, một số lính và người dân bị thương đang nằm rên rỉ. Ba Má tìm một mái hiên cho chúng tôi nghỉ. Ba tìm mua thức ăn cho cả nhà rồi lại chạy đi tìm xe để xin đi nhờ về Nha Trang.

Cả nhà quá giang xe tải về Nha Trang

Về đến Nha Trang, thấy tình hình không ổn, Ba Má lại tranh thủ tìm xe cho chúng tôi đi tiếp đến Phan Rang. Nơi đây có anh Chuân là cháu rể, gọi Ba tôi bằng chú. Anh là giáo sư trường Duy Tân, Phan Rang. Bá Má xuống cửa tìm thuê tàu thủy về Sài Gòn nhưng không có nên lại đi nhờ xe máy cày để ra đường lộ. Bá lại tiếp tục tìm xe cho chúng tôi đi vào Hàm Tân.

Liên hệ có tàu thủy về Sài Gòn, Ba đưa cả nhà ra bến. Trời nắng gắt. Trong khi người dân bản địa có vẻ khá bình tâm với chiến sự thì đoàn người di tản chen chúc, tranh nhau tìm tàu để tiếp tục về Sài Gòn. Nhà tôi, ai nấy đều mệt nhừ, tôi cũng không còn ca hát như lúc đầu nữa. Sau một hồi, chúng tôi cũng lên được tàu. Ba tạo niềm vui bằng cách nói anh em chúng tôi làm dáng, cười tươi để chụp hình. Tàu bắt đầu di chuyển thì tôi lại cảm thấy nôn nao và mệt. Một lúc sau, tôi và em Doanh ói mật xanh, mật vàng rồi mệt và tiếp đi.

Cả nhà đang chờ tàu đến, lúc này ai nấy đều phờ phạc

Lên tàu xong, lấy lại tinh thần, mọi người cùng chụp hình

Trời nắng gắt, Má bung áo ra che nắng cho anh chị em tôi

Đến chiều, tàu cập bến Long Hải, tôi và em Doanh được ẵm cùng gia đình vào một khách sạn để nghỉ ngơi. Ba tranh thủ đi mua bánh mì cho cả nhà ăn. Lúc này, ổ bánh mì thật ngon. Anh chị em chúng tôi ăn ngấu nghiến hết cả xô thức ăn và bánh mì.

Má cùng anh chị em tôi 'thưởng thức' bánh mì trên sân thượng một khách sạn ở Long Hải

Vẻ bơ phờ mệt mỏi vẫn còn trên gương mặt mọi người 

Khi ở Phú Bổn dù ở hành lang Nhà Thờ nhưng vẫn còn tươi tỉnh, tươm tất, tới Long Hải rồi, dù ở Khách sạn như lại uể oải, nhếch nhác 

Chính quyền Sài Gòn bấy giờ không muốn làm rối lòng người dân ĐôThành nên không cho người di tản vào Sài Gòn. Ba tôi phải chạy chọt, đút lót cho cảnh sát. Cuối cùng thì cả nhà mới vào được Sài Gòn và về ở nhà dì Định, đường Nguyễn Thiện Thuật. Mấy ngày sau, từ trên lầu chung cư, anh em chúng tôi chỉ nhau xem cảnh phi cơ lên xuống vào ngày phi trường Tân Sơn Nhất bị đánh chiếm và ngày kết thúc 20 năm Nội chiến tương tàn.

Cả nhà đi chơi ở Sài Gòn - trên gương mặt mọi người vẫn chưa lấy lại sự tươi vui

Chụp ảnh trước Nhà Thờ Đức Bà
em Doanh để hai tay ở thế võ mà hai anh em tôi ưa thích


Tin loạn lạc vẫn chưa ảnh hưởng đến người Sài Gòn nên hoạt động vui chơi vẫn diễn ra bình thường

Bây giờ thì đã lấy lại nụ cười


Cả nhà đi thuyền thiên nga trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Những ký ức đau thương của cuộc di tản gian khổ mãi in đậm trong ký ức của một đứa bé lên sáu như tôi. Giờ đây, nghe lại hai nhạc phẩm hát trên những xác người của NS Trịnh Công Sơn mới càng cảm thấy hơn sự khắc nghiệt của chiến tranh.


1 nhận xét:

  1. Thông tin thêm về những khuất tất trong cuộc triệt thoái khỏi Tây nguyên của Quân đội và chính quyền:
    https://www.danluan.org/tin-tuc/20150422/larry-engelmann-nuoc-mat-truoc-con-mua-toi-la-nguoi-doc-nhat-con-lai-de-ke-chuyen

    Trả lờiXóa