Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

NHỮNG TÊN ĐẤT, TÊN LÀNG DÂN DÃ Ở PHAN RANG - THÁP CHÀM

Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm hiện là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Ninh Thuận. Xét ranh giới, tên gọi trong địa bàn thành phố hiện tại, chúng ta có thể thấy nhiều sự thay đổi và nếu nhắc lại chỉ riêng phần tên đất, tên làng thôi thì cũng có nhiều điều thú vị.



Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Phan Rang luôn là lỵ sở của đạo/ phủ/ tỉnh Ninh Thuận. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, như: “Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) chia đặt làm 2 phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận, lại đặt thêm 2 huyện Tuy Phong và Tuy Định“. Khi lập phủ Ninh Thuận, địa bàn bao gồm Bắc giáp huyện Vĩnh Xương, (tại Ba Ngòi, Khánh Hòa) trải dài cả huyện Tuy Phong đến phía Nam giáp huyện Hòa Đa ở sông Duồng (Bình Thuận) thì lỵ sở của phủ Ninh Thuận đóng ở Phan Rang.

Cũng theo Đại Nam nhất thống chí, phủ lỵ thời này được mô tả như sau: “Thành phủ Ninh Thuận: thành đất, chu vi 72 trượng, mở 2 cửa, ở thôn Kinh Dinh huyện Yên Phước, xây năm Minh Mệnh thứ 11 (1830)“.

+ Phan Rang: thuộc quận Thanh Hải, là lỵ sở tỉnh Ninh Thuận, theo sách Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, đến thời điểm năm 1969 có 6 thôn: Mỹ Hương, Kinh Dinh, Đạo Long, Thanh Phong, Tấn Tài, Phủ Thành.

- Mỹ Hương, Kinh Dinh không đổi tên, chỉ giới hạn nhỏ dần về địa giới.

- Đạo Long: tên dân dã hồi xửa hồi xưa, Đạo Long xưa gọi là Xóm Gò.

- Thanh Phong: nguyên năm 1977, nhập Thanh Phong và Đài Sơn thành phường Thanh Sơn hiện nay.

- Tấn Tài: thôn xưa thuở ban đầu các quan quân Chúa Nguyễn vào đây, lập trại binh, lập làng gọi là Dinh Thủy, sau này đời các vua Nguyễn mới đổi tên là Tấn Tài. Thôn còn lưu giữ Hương ước lập ngày 29 tháng 4 Âm lịch, Khải Định thứ 8, Dương lịch: 1923, số trang Hán văn: 05 trang, số điều khoản hương ước: 07 điều. Thuộc Ninh Thuận đạo, Kinh Dinh tổng, Tấn Tài thôn.

- Phủ Thành: năm 1977, nhập Phủ Thành và Thanh Hà thành phường Phủ Hà.

+ Xã Mỹ Hải: theo sách Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, đến thời điểm năm 1969 thuộc quận Thanh Hải có 6 thôn: Mỹ An, Đông Ba, Mỹ Phước, Tấn Lộc, Hòa Thạnh, Sơn Hải, (nay Hòa Thạnh thuộc xã An Hải; Sơn Hải thuộc xã Phước Dinh).

- Tại phường Mỹ Đông, Khu phố 3 nguyên tên dân dã hồi xửa hồi xưa là Xóm Cồn, Mỹ Hiệp.

+ Xã Đông Hải: theo sách Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, đến thời điểm năm 1969 thuộc quận Thanh Hải có 8 thôn: Đông Giang, Tân Thành, Hải Chử, Tây Giang, Tân Xuân, Thành Hòa, Mỹ Nghĩa, Phú Thọ.

- Trong địa bàn này có một số chòm xóm nguyên tên dân dã hồi xửa hồi xưa là: Tân Thành = Xóm Rớ, Hải Chử Trong = Xóm Đệm, Hải Chử Giữa = Xóm Gò Mả, Hải Chử Ngoài = Xóm Giã (cào), Thành Hòa = Xóm Nón, Tân Xuân = Vũng Sau, Mỹ Nghĩa, Đông Phong = Chòm Câu, Mỹ Thành, Mỹ Hòa = gọi là Vũng Tàu, Tây Giang = Xóm Chùa, Đông Giang = Xóm Chợ Chiều, ai đi lên đó gọi là lên Phố Tàu (người Hoa). Đông Ba Trên, Đông Ba Giữa, Đông Ba Dưới năm 1964 lụt lớn phải dời lên động ở nên gọi là Xóm Động…

Ngày xưa từ Ninh Chử đi Đông Hải có đường đổ đất đỏ.

+ Xã Khánh Hải: theo sách Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, đến thời điểm năm 1969 thuộc quận Thanh Hải có 6 thôn: Dư Khánh, Ninh Chử, Nhơn Sơn, Văn Sơn, Đài Sơn, Bình Sơn, (nay Dư Khánh, Ninh Chử thuộc thị trấn Khánh Hải; Nhơn Sơn, Văn Sơn, Bình Sơn thuộc phường Văn Hải; Đài Sơn thuộc phường Đài Sơn).

- Trong địa bàn Đài Sơn có Xóm Bánh, Mương Cát xưa gọi là Láng Điệp/Dẹp (cây điệp, cây dẹp?).

- Văn Sơn gọi là Láng Don?, theo phân tích của 2 người quê ở Văn Sơn: Nhạc sĩ Phan Ngọc Hồng, Láng Hoang (vắng), phát âm hon/don, theo nhân sĩ Tư Trương, Láng Don? là phát âm người Chăm gọi chòm xóm/ láng của người Kinh (Duôn) ở (láng Duôn).

- Đài Sơn: nguyên làng Văn Sơn sau này trở thành làng có địa bàn rộng lớn, có Văn Sơn cổ đình xây từ xưa, phân chia 4 xóm: Đông Sơn, Tây Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn. Theo nhân sĩ Tư Trương và nhiều người khác, khi Hương chức làng ra Huế xin Triều đình sắc phong, đi về nhiều lần không được, có vị quan mách nước: làm sớ đổi tên Tây Sơn thành Đoài Sơn, vì chữ này Triều Nguyễn rất kiêng kỵ, dễ liên tưởng Triều Tây Sơn Nguyễn Huệ. Đoài là Tây nằm trong câu ca: “Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên”. Sau xin được ban sắc. Lâu ngày Đoài Sơn phát thổ âm chệch ra Đài Sơn.

+ Xã An Sơn: theo sách Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, đến thời điểm năm 1969 thuộc quận Bửu Sơn có 6 thôn: Bảo An, Đô Vinh, Công Thành, Thành Ý (nay 2 thôn thuộc xã Thành Hải), Phước Đức, Mỹ Đức (năm 1977, nhập Phước Đức, Mỹ Đức thành phường Phước Mỹ).

+ Xã Tân Sơn: theo sách Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, đến thời điểm năm 1969 thuộc quận Bửu Sơn có 3 thôn: An Xuân, An Hòa, Tân Hội, (nay An Xuân, An Hòa thuộc xã Xuân Hải; Tân Hội thuộc phường Đài Sơn).

- Tân Hội ban đầu các quan quân Chúa Nguyễn vào đây gọi là Láng Mun, địa bàn rộng, sau đổi tên mới, ngay bây giờ ngang đường Trần Phú, ta thấy còn có đình, miếu làng Tân Hội.

Đình Hy - Hội LH Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét